Nghĩ về việc xây dựng đền thờ danh nhân Đào Tấn
Tối 28.9 vừa qua, UBND xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước họp dân tại thôn Vinh Thạnh 1 để lấy ý kiến của dân trong việc xây dựng đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn. Mặc dù đã có biểu quyết của người dân về lựa chọn vị trí xây đền thờ, nhưng vẫn còn một số ý kiến khác cần được tham khảo.
Dự kiến xây dựng đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn sẽ nằm trong quần thể khu di tích mộ của Đào Tấn (trên núi Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa) và đình làng Vinh Thạnh (xã Phước Lộc), tất cả đã được xếp hạng là di tích của tỉnh. Yêu cầu của người chủ trì cuộc họp là người dân lựa chọn một trong hai phương án đã định sẵn: Phương án một, đền thờ sẽ xây dựng phía bên trái của cổng làng Vinh Thạnh (từ quốc lộ 19 vào), tạo nên vẻ mỹ quan gắn liền với cổng làng vào nhà thờ từ đường cụ Đào Tấn xưa nay. Phương án hai, đền nằm bên phải và thuộc khuôn viên đình làng Vinh Thạnh. Thuận tiện cho việc xây dựng tường rào và các hạng mục phụ trợ khác.
Một số dân ở khu vực thôn Vinh Thạnh 1 biểu quyết xây đền thờ theo phương án 2 và đã ký vào văn bản. Còn gia đình ông Đào Tùng (cháu gọi cụ Đào Tấn bằng ông cao) và bản thân tôi cũng như một số người khác thì thiên về phương án một. Bởi đền thờ không thể nhập chung với đình làng (nơi thờ cúng thần hoàng, thần linh theo quan niệm dân gian). Ngay đến đền thờ Vua Quang Trung, đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân cũng xây lại trên phần đất có giếng nước, có dấu tích gia đình sinh hoạt ngày xưa... Còn Đào Tấn vẫn là một danh nhân văn hóa của quốc gia sao lại có thể xây dựng đền thờ cụ chung trong đình làng được!
Bởi chỉ được chọn một trong hai phương án đưa ra, nên tôi thiên về phương án một. Tuy nhiên cả hai chưa hẳn đã là phương án tốt nhất. Tôi xin đề xuất một phương án khác, đó là xây dựng đền thờ cụ Đào Tấn trên phần đất nơi cụ sinh sống, nơi có cổng làng đã được xây dựng (1918) gần trăm năm nay, đó là biểu hiện tôn kính bậc hiền tài, hiếu thảo mẹ cha, vị quan thanh liêm chính trực… Vì những lẽ này mà sau khi cụ mất, vua Khải Định cho xây cổng làng Vinh Thạnh để tôn vinh, trên khung cổng có ghi “Cửa làng Vinh Thạnh”, dân làng thường gọi là “Cổng lý môn” hay “Cửa lý môn”. Và còn có một điều nơi đây những di tích còn lại của Cụ như cây nhãn tiêu từ Huế đưa về trồng đã hơn 100 năm… Đây cũng là nơi Bác Hồ đã đến thăm Đào Tấn trước khi xuất dương tìm đường cứu nước. Như vậy, vị trí này hàm chứa nhiều yếu tố giàu ý nghĩa liên quan đến Đào Tấn nói riêng, và cả tỉnh Bình Định nói chung.
NGUYỄN THỊ PHỤNG
Cảm ơn BBT tòa soạn Báo Bình Định đã đăng những thông tin chính xác.