Trường CÐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn: Ðầu tư cơ sở vật chất, nhân lực
Tính đến thời điểm này, Trường CÐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đã tiếp nhận gần 1.100 hồ sơ đăng ký nhập học năm học 2018- 2019. Ðây là con số rất đáng phấn khởi.
Giáo viên nghề điện tử công nghiệp đang kiểm tra các thiết bị của phòng thực hành an ninh tòa nhà.
Nói như vậy là bởi hiện các trường đại học đang “rộng cửa” đón sinh viên (SV) bằng hình thức xét tuyển học bạ, và tâm lý chuộng bằng cấp, thích học đại học vẫn còn nặng ở phụ huynh và học sinh.
Đến thời điểm hiện tại, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đã tiếp nhận 1.087 hồ sơ đăng ký nhập học. Trong đó, có 582 hồ sơ cao đẳng, 479 hồ sơ trung cấp và 26 hồ sơ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Các ngành: công nghệ ô tô, điện, cơ khí có đông người đăng ký học nhất.
Một năm học với nhiều tín hiệu khả quan đang đến với Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn khi nhiều kế hoạch về nhân lực, vật lực phục vụ hoạt động đào tạo vận hành nhịp nhàng, đúng tiến độ. Ngày 10.9 tới, tân SV, học viên của Trường sẽ làm thủ tục nhập học.
Dù vẫn giữ vững “phong độ” trong tuyển sinh so với các năm học trước nhưng bà Võ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường, cho biết: “Phải đợi đến lúc các em làm thủ tục nhập học thì chúng tôi mới dám chắc chắn. Trường còn phát hành và nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ở tất cả các nghề đợt 2, bắt đầu từ ngày 18.9, nên kỳ vọng số lượng SV nhập học sẽ cao hơn năm ngoái (1.162 SV)”.
Song hành với công tác chuẩn bị đón tân SV, Trường đang khẩn trương hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị theo hướng hiện đại và đồng bộ, phục vụ năm học mới. Tuần qua, Trường đã cho lắp đặt xong phòng thực hành robot của nghề cơ điện tử trình độ quốc tế. Với 4 cánh tay robot tự động hóa và các thiết bị, hệ thống đi kèm, tổng kinh phí mua, lắp đặt gần 6 tỉ đồng, phòng thực hành robot dự kiến sẽ mang đến cơ hội thực hành, trải nghiệm chân thực cho SV của nghề cơ điện tử về các dây chuyền sản xuất tự động hóa.
Phòng thực hành robot sẽ mang đến cơ hội thực hành, trải nghiệm chân thực cho sinh viên của nghề cơ điện tử về các dây chuyền sản xuất tự động hóa.
Trong khi đó, phòng thực hành an ninh tòa nhà của nghề điện tử công nghiệp trình độ quốc tế với tổng kinh phí hơn 4 tỉ đồng đang trong giai đoạn lắp đặt, dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 21.9 để đưa vào phục vụ giảng dạy. Theo ông Trần Hiếu Nghĩa, Trưởng khoa Điện tử - Tin, phòng gồm bàn thực hành chống đột nhập vô tuyến, bàn thực hành chống đột nhập hữu tuyến, bộ thực hành hệ thống kiểm soát ra vào kỹ thuật số, hệ thống điều khiển giám sát camera. Tất cả các bàn thực hành đều được kết nối với bàn điều khiển trung tâm để giáo viên theo dõi, chấm điểm SV ngay trong quá trình thực hành. Đồng thời, nhờ vào kết nối internet, SVcó thể làm các bài tập trực tuyến với Học viện Chisholm (Australia) để các chuyên gia giám sát, đánh giá năng lực.
Phó Hiệu trưởng phụ trách Võ Thị Tuyết Nhung cho biết thêm: “Năm học 2018 - 2019, trường tiếp tục được đầu tư thêm 8 tỉ đồng để trang bị cơ sở vật chất cho 2 nghề trọng điểm quốc tế cơ điện tử, điện tử công nghiệp, đảm bảo đạt chuẩn đào tạo theo chương trình mà Học viện Chisholm chuyển giao. Bên cạnh đó, nghề hàn của Trường đã được phê duyệt là nghề trọng điểm trình độ quốc tế theo chương trình do Chính phủ Đức chuyển giao và sẽ có những đầu tư phù hợp trong thời gian tới. Nhờ vào sự quan tâm của Trung ương, sự đầu tư của các đơn vị quốc tế, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo của Trường đã được nâng lên một bước. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho SV các lớp thường được thực hành, học tập cùng với các thiết bị hiện đại này”.
Trước thềm năm học mới, một số DN đã đặt vấn đề và ký thỏa thuận liên kết đào tạo với Trường CÐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn. Cụ thể, Trường đang thương thảo hợp đồng với một đơn vị đào tạo tiếng Nhật để mở Trung tâm đào tạo tiếng Nhật miễn phí cho SV của Trường có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động. Hai tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch là Sunworld và Win group cũng thỏa thuận liên kết đào tạo trong lĩnh vực du lịch, tạo điều kiện cho SV và giáo viên của Trường được tiếp cận với môi trường làm việc tại DN, tạo việc làm cho SV sau tốt nghiệp.
Cuối tháng 8 vừa qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Trung tâm Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương (Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ) đã tập huấn nâng cao năng lực cho 50 giáo viên của Trường CÐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn về phương pháp đào tạo tiếp cận năng lực. Từ ngày 6 - 9.9, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Trung tâm Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục cử chuyên gia chuyển giao 2 bộ chuẩn nghề cho giáo viên 2 nghề: hàn và cắt gọt kim loại. Ðầu tháng 10 đến hết tháng 11.2018, Trường sẽ tiếp tục xây dựng một bộ chuẩn nghề cho nghề cơ điện tử. Ðây là những hoạt động nhằm nâng cao năng lực đào tạo cho giáo viên của Trường.
NGUYỄN MUỘI