Thử nghiệm công nghệ mới xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa
“Công nghệ rửa đất xử lý môi trường ô nhiễm dioxin” là sự kết hợp giữa công nghệ tẩy rửa đất và công nghệ đốt, là giải pháp thay thế mang tính chủ động, có hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều phương án làm sạch đất nhiễm dioxin khác.
Việt Nam có 28 khu vực bị nhiễm chất độc dioxin, trong đó sân bay Biên Hòa là khu vực có lượng đất nhiễm dioxin lớn nhất, khoảng 850.000 tấn
Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học) và Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản) vừa tổ chức lễ công bố Biên bản ghi nhớ hợp tác và Kế hoạch thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).
Hợp tác này có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiệu quả, đảm bảo an toàn trong xử lý dioxin và từng bước nghiên cứu, làm chủ công nghệ xử lý dioxin.
Theo đại diện Tập đoàn Shimizu, “Công nghệ rửa đất xử lý môi trường ô nhiễm dioxin” là sự kết hợp giữa công nghệ tẩy rửa đất và công nghệ đốt, là giải pháp thay thế mang tính chủ động, có hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều phương án làm sạch đất nhiễm dioxin khác.
Công nghệ tẩy rửa đất có hai ưu điểm chính là giảm thiểu chất thải và hiệu quả kinh tế. Chi phí làm làm sạch đất thấp hơn nhờ việc giảm khối lượng tuyệt đối đất nhiễm bẩn và đất có chứa chất ô nhiễm được cô đặc (bùn bánh), xử lý bằng phương pháp làm sạch thứ cấp. Đốt là phương pháp hiệu quả, đáng tin cậy nhất để phá hủy các chất ô nhiễm khó phân hủy như dioxin.
Việc kết hợp sử dụng dụng công nghệ tẩy rửa đất và đốt sẽ giúp nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong xử lý đất. Khối lượng đất bị ô nhiễm dioxin mà công nghệ tẩy rửa đất có thể chấp nhận và xử lý càng lớn, hiệu quả kinh tế của việc sử dụng kết hợp hai công nghệ càng cao.
Tháng 9.2015, Shimizu đã bắt đầu thử nghiệm việc làm sạch một số mẫu đất bị ô nhiễm của sân bay Biên Hòa trong phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy có thể loại bỏ đến 95% dioxin trong đất ó mức ô nhiễm ở cấp độ từ thấp đến trung bình; đồng thời có thể khôi phục lại khoảng 70% đất bị ô nhiễm, đưa về trạng thái sử dụng được.
Công nghệ rửa đất mà Shimizu sẽ sử dụng ở Biên Hòa hiện cũng đang được thực hiện ở 14 địa điểm trong nước Nhật.
Theo kế hoạch, một nhà máy tẩy rửa đất toàn diện (công suất tối đa 40 tấn/giờ) sẽ được lắp đặt vào cuối tháng 12 tới và khởi động thử nghiệm làm sạch đất trong khu vực sân bay từ đầu tháng 1.2019. Tập đoàn Shimizu đảm nhận viện xây dựng và vận chuyển, lắp ráp, quản lý vận hành nhà máy tẩy rửa và thực nghiệm tẩy rửa tại hiện trường. Bộ Quốc phòng đảm nhận việc chuẩn bị mặt bằng, cải thiện cơ sở hạ tầng xung quanh và những phần việc khác.
Theo khảo sát của Shimizu, Việt Nam có 28 khu vực bị nhiễm chất độc dioxin, trong đó có các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát. Trong đó, sân bay Biên Hòa là khu vực có lượng đất nhiễm dioxin lớn nhất, khoảng 850.000 tấn.
Khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin đối với con người và môi trường ở Việt Nam là vấn đề cấp bách, có tính nhân văn sâu sắc. Dành sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề này, Chính phủ đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Ban Chỉ đạo quốc gia về lĩnh vực này đã được thành lập theo Quyết định số 651 ngày 1.6.2012 của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia.
Theo mục tiêu của Chính phủ đặt ra, từ nay đến 2030 sẽ làm sạch các vùng đất ô nhiễm trên toàn quốc.
Theo Chinhphu.vn