Rà soát nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng chung sau thí điểm hợp nhất
Sáng 5.9, tiếp tục chương trình phiên họp mở rộng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiến hành thẩm tra sơ bộ Đề án hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. (Nguồn: TTXVN)
Trình bày Tờ trình về việc xây dựng Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chỉ rõ những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện Đề án.
Việc hợp nhất 3 văn phòng sẽ góp phần tinh giản biên chế, sắp xếp tại bộ máy tổ chức gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ của văn phòng.
Công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân có thể bố trí chung, thuận tiện và nhanh chóng hơn trong việc phối hợp xử lý thông tin, thuận tiện cho người dân trong việc đi lại.
Việc hợp nhất cũng góp phần tiết kiệm ngân sách, giảm chi thường xuyên, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi hợp nhất là một văn phòng chung phục vụ 3 chủ thể khác nhau sẽ có những bất cập trong việc vừa tham mưu xây dựng chính sách, vừa tham mưu thi hành chính sách sau đó lại tham mưu giám sát thi hành chính sách nên dễ dẫn đến thiếu khách quan, chất lượng và hiệu quả không cao...
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nhiệm vụ cơ bản của Văn phòng chung được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa các nhiệm vụ của 3 văn phòng như hiện hành nhưng theo hướng tập trung vào chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ còn nhiệm vụ giúp Ủy ban Nhân dân thực hiện quản lý Nhà nước mà Văn phòng Ủy ban Nhân dân đảm nhiệm trước đây đề nghị chuyển giao về các sở chuyên môn của Ủy ban Nhân dân.
Văn phòng là cơ quan tương đương cấp Sở tại địa phương, trực thuộc Ủy ban Nhân dân nhưng không phải là cơ quan chuyên môn.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định này và cho rằng có sự kế thừa vị trí pháp lý hiện nay của Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đều được coi là cơ quan tương đương cấp sở.
Việc quy định Văn phòng chung là cơ quan trực thuộc Ủy ban Nhân dân là hợp lý nhằm tạo sự thuận lợi trong công tác quản lý biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất.
Văn phòng chung không phải là cơ quan chuyên môn, do đó không phải thực hiện chức năng giúp Ủy ban Nhân dân thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về một ngành hoặc lĩnh vực cụ thể, qua đó có điều kiện tập trung vào công tác tham mưu tổng hợp và các công tác hành chính, quản trị khác.
Một số ý kiến tại phiên thảo luận đề nghị tiếp tục rà soát nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng chung để phù hợp với đặc thù của cơ quan này vừa tham mưu tổng hợp cho Ủy ban Nhân dân (là cơ quan chịu sự giám sát) vừa tham mưu tổng hợp cho Hội đồng Nhân dân (là cơ quan giám sát), theo đó, cần nghiên cứu loại bỏ các nhiệm vụ mang tính tham mưu chuyên sâu về chuyên môn của Ủy ban Nhân dân để chuyển giao cho các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân thực hiện (như nhiệm vụ về kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh), bảo đảm để Văn phòng chung thể hiện đúng chức năng, vị trí đã được xác định là cơ quan tham mưu tổng hợp, không phải là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân.
Về cơ cấu tổ chức của Văn phòng chung, các đại biểu đề nghị thành lập các phòng theo đối tượng phục vụ. Văn phòng chung dự kiến không quá 11 phòng và đơn vị sự nghiệp.
Việc thành lập các phòng phải tạo được sự độc lập tương đối cho Văn phòng trong việc cùng lúc phải tham mưu, phục vụ cho 3 chủ thể là Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc sáp nhập như trên mang tính cơ học nên thành lập các phòng theo nội dung, tính chất công việc sẽ tạo được bộ máy Văn phòng tinh gọn, có độ chuyên môn hóa cao.
Cho ý kiến về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng lưu ý cơ cấu tổ chức bên trong nên giao toàn quyền cho địa phương quyết định trên cơ sở tiêu chí Trung ương đã quy định. Theo đó, phòng tổ chức bên trong đa ngành, đa lĩnh vực; khung biên chế phải tối thiểu 7 người; thực hiện nghiêm theo các kết luận của Đảng, các Nghị quyết Trung ương.
Các đại biểu đề nghị, số lượng Phó Chánh Văn phòng của Văn phòng chung cần bảo đảm đồng bộ với quy định về số lượng cấp phó của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, theo đó Văn phòng chung chỉ nên có 3 cấp phó, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 4 cấp phó.
Về số lượng dự kiến đưa vào thực hiện thí điểm Đề án khoảng 10 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Kạn, Cà Mau, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Thái Bình, Tây Ninh, Tiền Giang. Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến từ ngày 1.1.2019 đến hết ngày 31.12.2019.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Thái Bình cho rằng, thời gian thí điểm quá ngắn (chỉ có 1 năm) nên phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, để sau đó thực hiện nhân rộng trên cả nước. Do đó, đại biểu cho rằng số lượng 10 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm là nhiều và nên điều chỉnh lại cho phù hợp.
Theo PHAN PHƯƠNG (TTXVN/Vietnam+)