Từ đâu mà có “tri âm” ?
Nói lên tâm trạng cô độc của Thúy Kiều, câu thứ 1096 trong Truyện Kiều dùng từ “tri âm” (Ai tri âm đó, mặn mà với ai?). Trong đời sống hiện đại, “tri âm” cũng được sử dụng khá phổ biến với nghĩa “người bạn thấu hiểu được lòng mình” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.1015).
Vậy, từ đâu mà “tri âm” được hiểu là “người bạn thấu hiểu được lòng mình”, trong khi từ này chỉ có nghĩa là “biết tiếng” (tri: biết; âm: tiếng)? Đó là chưa kể, “tri âm” và “người bạn” còn khác nhau về từ loại (động từ và danh từ).
Ban đầu là trong văn chương, về sau trở nên quen thuộc trong đời sống, khái niệm “tri âm” với nội hàm là “người bạn thấu hiểu được lòng mình” trở nên phổ biến với người Việt. Nhưng nội hàm ấy không phải do tự thân tổ hợp “tri âm” quy định. Đằng sau “tri âm” là một điển tích giải thích nguồn gốc của nét nghĩa trên.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc có Bá Nha, người nước Sở, làm quan nước Tấn, là khách phong lưu, có ngón đàn thất huyền cầm nổi tiếng. Một ngày nọ, trên đường công cán trở về, đến sông Hán, gặp đêm trung thu trăng thanh gió mát, Bá Nha dừng thuyền thưởng nguyệt, lúc cao hứng bèn mang đàn ra gảy. Nào ngờ giữa chốn sông sâu rừng vắng lại có người biết nghe đàn. Người đó là Chung Tử Kỳ, một ẩn sĩ làm nghề tiều phu sống bên sông Hán.
Bá Nha mời Tử Kỳ cùng đàm đạo. Nghe tiếng đàn Bá Nha, Tử Kỳ hiểu ra tâm hồn, chí khí của người chơi đàn và bình luận hết sức chính xác. Đôi bên cao đàm khoát luận, Bá Nha khâm phục khả năng thẩm âm, cảm đàn của Tử Kỳ hết mực. Chỉ một lần trò chuyện họ đã trở thành đôi bạn tri âm. Mùa thu năm sau, Bá Nha quay lại bến sông xưa tìm Tử Kỳ mới hay tin bạn mình đã mất. Bá Nha tìm đến mộ Tử Kỳ, bày đồ tế lễ rồi gảy một bản đàn sầu thảm. Đàn xong, Bá Nha đập đàn, thề trọn đời không gảy đàn nữa vì cho rằng không còn ai có thể cảm được tiếng đàn của mình.
Vào văn chương và ngôn ngữ đời sống, điển “tri âm” được dùng với nghĩa “người bạn thấu hiểu được lòng mình” để chỉ những người bạn tâm đầu ý hợp.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ