Nhu cầu sáng tạo là... vô tận
Cuộc thi sáng tạo khoa học dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ V vừa khép lại. Tại cuộc thi, không chỉ thỏa niềm yêu thích với khoa học kỹ thuật, ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ đều hướng đến giải quyết những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống, vui chơi, học tập…
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Định lần thứ V - năm 2018 đã tôn vinh 43 ý tưởng sáng tạo. Trong đó, 2 giải nhất khẳng định sáng tạo độc đáo của Hồ Tiến Đạt và Ngô Nguyễn Thị Đan Quỳnh (học sinh Trường THCS Hoài Châu Bắc, Hoài Nhơn) với “Máy bóc vỏ quả dừa” và Huỳnh Ánh Nhật và Lê Đức Khải (học sinh Trường THPT số 1 Tuy Phước, Tuy Phước) với “Đồng hồ nước thông minh”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn (bìa trái) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long (bìa phải) trao giải nhất cho nhóm tác giả Huỳnh Ánh Nhật - Lê Đức Khải.
Từ “mạch nguồn” cuộc sống
Với sự phối hợp đồng bộ trong công tác tổ chức, tuyên truyền, các ý tưởng dự thi năm nay được đánh giá phong phú, đa dạng trên 5 lĩnh vực: đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Nhiều tìm tòi, sáng tạo của các em là những lời giải cho “bài toán” nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế.
Từ công việc của gia đình, Hồ Tiến Đạt và Ngô Nguyễn Thị Đan Quỳnh đã sáng tạo ra “Máy bóc vỏ quả dừa”. Máy được thiết kế đơn giản, với tính năng ưu việt, góp phần nâng cao năng suất lao động gấp 3 lần so với dùng phương pháp thủ công để bóc vỏ quả dừa.
Cũng hướng giải quyết những vấn đề thực tiễn, Huỳnh Ánh Nhật - Lê Đức Khải ứng dụng công nghệ thông tin làm “Đồng hồ nước thông minh”. Không chỉ đo được nhiều chỉ số, nhà cung cấp hoặc khách hàng đều có thể truy cập từ xa để biết thông tin sử dụng nước, phát hiện những sự cố vỡ đường ống nước, rò rỉ nước, giảm thiểu lãng phí nguồn nước. Ánh Nhật chia sẻ: “Khi hoàn thiện công nghệ, sản phẩm còn góp phần giảm chi phí nhân công trong việc ghi đo lượng nước tiêu thụ; giá thành thấp khoảng 700 ngàn đồng/thiết bị, dễ áp dụng rộng rãi”.
Còn Lê Văn Châu (học sinh Trường THCS Cát Khánh, Phù Cát) tạo bất ngờ với sáng tạo về phương pháp báo độ mặn trong nước từ những vật liệu rất đơn giản, rẻ tiền: quả bóng nhựa, muối ăn… giúp cảnh báo sự thay đổi độ mặn trong nước nuôi thủy sản, nước tưới cây trồng… “Không chỉ thỏa niềm yêu thích khoa học, ý tưởng còn được giải nhì cuộc thi. Không niềm vui nào kể xiết!”, Châu bộc bạch.
Kết quả cuộc thi sáng tạo cấp tỉnh có thể xem là khởi đầu thuận lợi để các em nuôi dưỡng ước mơ, nâng cao ý chí phấn đấu. Ông Lê Văn Tâm, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, đúc kết: “Có thể chưa hoàn thiện mô hình, nhưng từ những ước mơ, khát vọng giải quyết các yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống thường ngày, ở lứa tuổi học sinh, các em đã có những ý tưởng sáng tạo ra các sản phẩm hữu ích tận dụng từ những vật liệu sẵn có. Đây là điều đáng trân trọng và cần được nuôi dưỡng, bồi đắp”.
“Tiếp lửa” tình yêu khoa học
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã đánh giá sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị được tỉnh giao tổ chức sân chơi khoa học này - một trong những cơ hội, môi trường quan trọng để thúc đẩy phong trào sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng. Nhiều ý tưởng sáng tạo bắt nguồn từ cuộc sống, thể hiện khả năng và nhu cầu sáng tạo là vô tận.
“Để cuộc thi mùa thứ 6 lan tỏa rộng hơn trong thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm công tác tuyên truyền. Liên hiệp các Hội KH&KT tiếp tục là cầu nối, phối hợp chặt chẽ Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn, Sở KH&CN và các đơn vị liên quan đúc rút những kinh nghiệm, phát huy những thế mạnh trong tổ chức, tuyên truyền, xét giải thưởng để phát hiện ra những nhân tố xuất sắc, những giải pháp hay”, Phó Chủ tịch Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.
Là một trong những đơn vị đóng vai chính tuyên truyền, phổ biến cuộc thi, anh Hà Duy Trung - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội, đội vào cuộc mạnh mẽ, coi cuộc thi là một hành động thiết thực để góp phần thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển KH&CN, tiếp cận nhanh với cuộc cách mạng 4.0. Chủ động tuyên truyền, phổ biến cuộc thi bằng nhiều hình thức, đổi mới, phù hợp từng vùng miền. Biểu dương những mô hình hay, sáng tạo độc đáo, tạo động lực để các em tích cực tham gia cuộc thi và hỗ trợ các ý tưởng để hoàn thiện đưa vào cuộc sống”.
“Những năm qua, Bình Ðịnh rất quan tâm dành nhiều cơ chế chính sách phát triển giáo dục, KH&CN, xem đây là quốc sách hàng đầu. Mặc dù ngân sách của tỉnh chưa nhiều, nhưng riêng lĩnh vực này đều dành sự ưu tiên; xây dựng, mở rộng, nâng cấp các giải thưởng, tạo môi trường tốt nhất cho các em có cơ hội phát triển, tạo nền tảng cho sự đầu tư phát triển của tỉnh trong tương lai”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN PHI LONG
MAI HOÀNG