“Lợi kép” từ phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch
Ðăng ký, quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng của ngành Tư pháp, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân. Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch hỗ trợ đắc lực cho cán bộ Tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch được hướng dẫn thực hành sử dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn ngành đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 1.009.726 trường hợp (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2017), đăng ký khai sinh lại cho 494.162 trường hợp (tăng 35%); khai tử cho 299.974 trường hợp (tăng 6,7%). Số liệu này tiếp tục cho thấy yêu cầu đăng ký hộ tịch có xu hướng tăng khá cao, đặc biệt là yêu cầu đăng ký lại khai sinh do liên quan đến quá trình thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại Bình Định, tình hình cũng không khác biệt. Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 23.658 trường hợp đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Nhiều thủ tục liên quan đến lĩnh vực hộ tịch đều có mức tăng đáng kể, như đăng ký khai tử tại UBND cấp xã 5.515 trường hợp, tăng 5,4%; đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài 16 trường hợp, tăng 33,3%; đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài 4 trường hợp, tăng 300%; đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài 104 trường hợp, tăng 20,9%...
Trước nhu cầu ngày càng cao của người dân cũng như yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, phần mềm đăng ký và quản ký hộ tịch đã được Bộ Tư pháp xây dựng, đưa vào sử dụng. Cuối tháng 8.2018, Sở Tư pháp đã tổ chức 8 lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm này cho 262 cán bộ Tư pháp cấp huyện và cán bộ Tư pháp - Hộ tịch ở cấp xã.
Tại các lớp tập huấn, các học viên đã được hướng dẫn sử dụng các chức năng của phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch với các nghiệp vụ: đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch, nuôi con nuôi. Bên cạnh đó là hướng dẫn sử dụng các chức năng quản lý, theo dõi dữ liệu hộ tịch, báo cáo thống kê tình hình biến động dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
Trực tiếp mở phần mềm để hướng dẫn sử dụng, chuyên viên Tin học của Sở Tư pháp Phan Văn Cương giải thích: “Phần mềm có tính năng tự động tổng hợp báo cáo nhanh chóng, chính xác. Dữ liệu được quản lý tập trung, liên thông qua 3 cấp xã, huyện, tỉnh. Ưu điểm lớn là cho phép cán bộ làm việc mọi lúc, mọi nơi; tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, tra cứu, xác minh, xử lý về nhân thân và tình trạng công dân”.
Trên thực tế, trước đây cán bộ Tư pháp - Hộ tịch gặp không ít khó khăn khi thực hiện các thủ tục về hộ tịch. Ở nhiều nơi phải lật sổ gốc hộ tịch “dày cộm” mới tìm thấy sự kiện hộ tịch cần thiết. Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ) Đặng Văn Quân cho hay: “Hồ sơ sổ sách toàn bằng giấy nên lưu trữ khó khăn, tìm kiếm mất thời gian. Nhưng từ khi có phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch, chỉ cần mở máy, gõ thông tin và in ra rồi giao cho người dân theo các biểu mẫu như giấy kết hôn, giấy khai sinh nên rất tiện lợi, hạn chế sai sót. Khi cần tra cứu, chỉ cần nhập dữ liệu vào, phần mềm tự động cập nhật để tìm thông tin của nhân thân rất nhanh chóng và chính xác. Cũng nhờ đó mà giảm thời gian chờ đợi cho người dân”.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Châu Thị Hương Lan, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được trang bị máy vi tính có kết nối internet; cán bộ chuyên môn cũng đã được đào tạo, hướng dẫn để sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch. “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử có sự quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương sẽ từng bước hiện đại hóa công tác đăng ký hộ tịch tiến tới đăng ký trực tuyến, đảm bảo kết nối cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, bà Lan cho hay.
“Việc ứng dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch giúp “giảm tải” công việc cho cán bộ chuyên môn, góp phần giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến hộ tịch. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh”.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp CHÂU THỊ HƯƠNG LAN
Theo Ðề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt, đến 2020 sẽ triển khai một phần mềm hộ tịch dùng chung trên toàn quốc, nhằm quản lý tập trung, thống nhất tại Bộ Tư pháp toàn bộ dữ liệu đăng ký hộ tịch theo Luật Hộ tịch từ các địa phương. Từ đó, cung cấp dữ liệu đầu vào cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ CA quản lý (theo Luật Căn cước công dân).
MAI LÂM