Đề cử di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp là di sản văn hóa thế giới
UBND tỉnh Đồng Tháp đã có Văn bản số 288/UBND-KGVX gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lập hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh di sản văn hóa thế giới đối với khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp.
Các nhà khảo cổ đo diện tích nền gạch cổ tại một điểm khai quật tại khu di tích Gò Tháp.
Khu di tích nằm trên địa bàn hai xã Tân Triều, Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) với diện tích quy hoạch bảo tồn khoảng 290ha. Ngày 27.9.2012, di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg).
Di tích Gò Tháp được các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện vào những năm cuối của thế kỷ XIX. Đây là địa điểm còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học gắn với vương quốc Phù Nam cổ xưa (giai đoạn văn hóa Óc Eo cách ngày nay khoảng 1.500 năm).
Văn bản của UBND tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, sau nhiều đợt thăm dò và khai quật khảo cổ học, cơ quan chức năng và các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng (đền thần, giếng thần…) và nhiều di tích cư trú, mộ táng, xưởng chế tác. Đặc biệt, các di tích này được phát hiện trong tình trạng gần như nguyên vẹn trong lòng đất và được phân bố liền kề nhau trong quần thể các gò ở khu di tích Gò Tháp.
Bên cạnh đó, nhiều bộ sưu tập hiện vật độc đáo cũng được tìm thấy trong lòng các di tích này: Bộ sưu tập tượng thần Hindu giáo (trong đó có hai tượng thần Vishnu đã được công nhận là bảo vật quốc gia), bộ sưu tập tượng Phật gỗ, bộ sưu tập hơn 400 hiện vật vàng (lá vàng, đồ trang sức bằng vàng…).
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng và là thủ phủ của một tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam cổ xưa từng tồn tại ở vùng đất Nam Bộ.
Như vậy, bên cạnh các giá trị đặc biệt về văn hóa, khoa học và lịch sử, các di tích và di vật văn hóa Óc Eo ở khu di tích Gò Tháp còn đáp ứng được yêu cầu về tính toàn vẹn và xác thực theo tiêu chí của UNESCO về xếp hạng di sản văn hóa thế giới.
“Với những giá trị đặc biệt nêu trên, việc bổ sung khu di tích Gò Tháp vào hồ sơ đề cử cùng với Óc Eo - Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang) sẽ tăng thêm tính toàn vẹn và tính xác thực của di sản văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ,” đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, chấp thuận cho tỉnh tham gia lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp là di sản văn hóa thế giới.
Theo An Ngọc (Vietnamplus)