Nhiều bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng
Chiều 5.9, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến hoạt động y tế dự phòng tháng 9.2018 và phương hướng phòng chống kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn trong thời gian tới.
Một bệnh nhi được điều trị tại BV Nhi đồng 1 TPHCM
Báo cáo tại hội nghị, BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn TP ghi nhận 10.146 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) nhập viện. Tuy vẫn còn thấp hơn 28% so với cùng kỳ năm 2017 nhưng các con số thống kê hàng tuần cho thấy số lượng ca bệnh đang tăng lên. Thậm chí có những tuần lên đến gần 700 ca. Bên cạnh đó, số ca SXH điều trị ngoại trú cũng liên tục gia tăng với hơn 400 ca mỗi tuần.
Lý giải về điều này, theo BS Lê Hồng Nga, hiện đang là cao điểm mùa mưa nên việc các ca bệnh SXH gia tăng là điều dễ hiểu và các địa phương cần phối hợp để khống chế kịp thời. Bên cạnh bệnh SXH thì bệnh tay chân miệng cũng gia tăng. Trong thời gian qua, trung bình mỗi tuần TPHCM có khoảng 150 trẻ nhập viện do bệnh tay chân miệng. Tích lũy 8 tháng đầu năm toàn TP có gần 2.500 ca. Cũng theo BS Lê Hồng Nga, số ca nhập viện chỉ là phần nổi bởi thực tế số ca mắc tay chân miệng thể nhẹ, điều trị ngoại trú cao gấp 5 lần số ca nhập viện nội trú. Như vậy, tính chung toàn TP có hơn 12.000 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, thời điểm bước vào năm học mới, số ca mắc tay chân miệng chắc chắn sẽ gia tăng, nhất là ở các nhóm trẻ gia đình. Song song đó, một bệnh truyền nhiễm khác cũng có dấu hiệu gia tăng khi giám sát tại các bệnh viện tuyến cuối là bệnh sởi. Nếu trong 7 tháng đầu năm toàn TP có 4 ca bệnh sởi thì trong tháng 8 phát hiện thêm 3 ca mắc sởi. Trong số 7 trường hợp mắc sởi đa số là chưa đến tuổi chích ngừa vaccine hoặc chích vaccine không đầy đủ. “Thời gian qua, ngành y tế dự phòng TP đã tiến hành rà soát tình hình tiêm chủng trên địa bàn TP và đã phát hiện tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi quá thấp, chỉ có 61,3% trẻ được tiêm mũi 1 và 30% trẻ được tiêm mũi 2. Với tỷ lệ tiêm chủng này, nguy cơ bệnh sởi sẽ lây lan do cộng đồng và các cá thể chưa có miễn dịch là rất lớn”, BS Lê Hồng Nga lo ngại.
Trước tình hình bệnh SXH, tay chân miệng, sởi có xu hướng gia tăng trên địa bàn TPHCM và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh khi học sinh bước vào năm học mới, Trung tâm Y tế dự phòng TP yêu cầu các quận, huyện chủ động hơn các biện pháp phòng chống dịch như: kiểm soát và xử lý tốt các điểm nguy cơ sốt SXH; giám sát các điểm giữ trẻ gia đình không để bệnh tay chân miệng lây lan… Trường hợp nhu cầu tiêm bù vaccine quá cao cần báo cáo ngay về Sở Y tế để được phân phối vaccine kịp thời, không để xảy ra tình trạng khan hiếm vaccine sởi trên địa bàn.
Theo THÀNH AN (SGGP)