Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Tâm tư của các trường đại học chúng ta phải tính tới"
Nhận xét 2 ĐHQG hiện nay cũng vận hành khác nhau, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mô hình ĐHQG TPHCM cơ bản là như mô hình hướng tới mà dự thảo của ban thẩm tra đề cập là tổ hợp các trường đại học độc lập...
Sáng 7.9, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách bước sang ngày làm việc thứ 2, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Liên quan đến mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và khái niệm Đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất (của cơ quan thẩm tra) đề nghị quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở GDĐH gồm có trường đại học và đại học (hệ thống các trường đại học).
Theo đó, hạt nhân cơ bản của hệ thống GDĐH là trường đại học có cơ cấu tổ chức bên trong gồm các trường chuyên ngành, các khoa, bộ môn và các tổ chức cần thiết khác phục vụ cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ tùy theo nhu cầu của nhà trường.
Loại ý kiến thứ hai (của cơ quan soạn thảo) đề nghị quy định hệ thống cơ sở GDĐH gồm có đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác phù hợp với quy định của pháp luật, gọi chung là đại học.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
“Quy định này có vẻ công bằng khi coi tất cả các cơ sở GDĐH đều có cơ hội như nhau về lựa chọn mô hình phát triển là đại học và phân biệt với nhau chỉ thông qua nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại các thực thể được gọi là cơ sở GDĐH gồm có trường đại học, học viện, đại học. Quy định này chưa giải quyết được bản chất vấn đề về mô hình trường đại học bên trong đại học của các đại học hiện nay, cả về nội dung và tổ chức, đồng thời có thể làm phức tạp thêm hệ thống khi quy định tất cả cơ sở GDĐH là đại học; các cơ sở GDĐH đa lĩnh vực được thành lập các trường trực thuộc bên trong mà chưa phân định rõ tư cách pháp nhân, địa vị pháp lý của các tổ chức này. Việc ổn định của hệ thống GDĐH hiện nay có thể bị ảnh hưởng lớn”, ông Phan Thanh Bình nhận định.
Tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: “Cá nhân tôi và Chính phủ cũng nghe rất nhiều kiến nghị của đại học vùng và nhiều trường đại học hiện nay. Có một ý rằng là mô hình ban đầu ban soạn thảo và ban thẩm tra chưa giải quyết được triệt để theo xu hướng thế giới. Chưa giải quyết được mong muốn của các trường đại học trong nước”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Nhận xét 2 ĐHQG hiện nay cũng vận hành khác nhau, Phó Thủ tướng cho rằng mô hình ĐHQG TPHCM cơ bản là như mô hình hướng tới mà dự thảo của ban thẩm tra đề cập là tổ hợp các trường đại học độc lập.
Theo Phó Thủ tướng, phương án của cơ quan thẩm định cũng không giải quyết được những vướng mắc hiện nay, trong khi chính phương án của ban soạn thảo đề ra theo nguyện vọng của nhiều trường đại học thì có phần giải quyết được.
Vì tinh thần là giao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH thì họ tự quyết định cơ cấu bên trong là gồm những trường nào độc lập, trường nào hạch toán phụ thuộc một phần để trường quyết định.
Bên cạnh đó, theo phương án của cơ quan thẩm tra thì tới đây không còn đại học vùng nữa.
“Tâm tư của anh em các trường đại học chúng ta phải tính tới. Mô hình theo ban soạn thảo thì giải quyết được vấn đề đó, nghĩa là bao gồm ĐHQG, đại học khu vực và đại học vùng và các đại học lớn sau này người ta phát triển lên và tùy người ta gọi tên. Không nên vì tên trường mà giới hạn là chỉ phát triển ở mức đó thôi không được vươn lên”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGPO)