Triển lãm hình tượng rồng-phượng trên bảo vật triều Nguyễn
Ngày 7.9, tại thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức Triển lãm rồng-phượng trên bảo vật triều Nguyễn.
Đây là hoạt động nhân dịp kỷ niệm 25 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và 15 năm Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Rồng-Phượng trên bảo vật triều Nguyễn. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Triển lãm trưng bày hơn 80 hiện vật gồm: kim bảo, kim sách, các đồ tự khí, văn phòng tứ bảo, những vật dụng dùng trong đời sống sinh hoạt, nghi lễ cung đình; được làm từ các chất liệu quý hiếm như: vàng, bạc, đá quý, ngọc, đồi mồi...
Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết với đề tài trang trí chủ đạo là rồng năm móng và chim phượng - biểu tượng cao quý của chế độ quân chủ, gắn liền với hình ảnh của vua và hoàng hậu qua sự phối kết chất liệu đầy tinh tế của những người thợ thủ công tài hoa, hình ảnh rồng-phượng được thể hiện một cách công phu, đa dạng về hình thức và kiểu dáng.
Đây thật sự là những báu vật vô giá không chỉ chứa đựng giá trị về mặt lịch sử, văn hóa nghệ thuật của một thời đại mà còn phản ánh tài nghệ khéo léo của các nghệ nhân cung đình triều Nguyễn.
Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế xuất bản ấn phẩm Rồng - Phượng trên bảo vật triều Nguyễn. Ấn phẩm gồm những hình ảnh và thông tin về các hiện vật đặc sắc nhất trong bộ sưu tập, mang đến cho bạn đọc nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa, lịch sử, những tinh hoa trong kho tàng di sản mà triều Nguyễn để lại. Triển lãm diễn ra đến ngày 5.12.2018. Cùng ngày, triển lãm ảnh "Sự hồi sinh của Di sản Huế" đã diễn ra tại Trường lang Đại Cung Môn - Đại Nội Huế. Triển lãm trưng bày hàng trăm bức ảnh, góp thêm tư liệu cũng như chứng nhân cho quá trình hồi sinh di sản Huế. Quần thể di tích cố đô Huế là một phức hệ kiến trúc cung đình đa dạng, bao gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, chùa quán, phố thị, vườn cảnh… do triều Nguyễn xây dựng từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Tính toàn vẹn của quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng đã góp phần đưa Huế trở thành một mẫu mực hiếm có về quy hoạch đô thị thời quân chủ ở Đông Á vào cuối thời kỳ phong kiến. Trải qua thời gian, dưới nhiều tác động của thời tiết khắc nghiệt và chiến tranh khốc liệt, nhiều công trình kiến trúc thuộc quần thể di tích cố đô Huế đã bị phá hủy nặng nề. Sau năm 1975, gần 2/3 số công trình của quần thể di tích Huế đã trở thành phế tích; số còn tồn tại cũng ở trong tình trạng bị hư hại nghiêm trọng. Xác định rõ tầm quan trọng và tính cấp bách của việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để quần thể di tích cố đô Huế gìn giữ được nguyên vẹn những đặc điểm kiến trúc và cảnh quan. Với sự giúp đỡ kịp thời của cộng đồng quốc tế và những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là sự đóng góp không nhỏ của người dân Thừa Thiên-Huế, quần thể di tích cố đô Huế đã dần được hồi sinh, góp phần khẳng định và tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam trên toàn thế giới. Với những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Đến năm 2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế tiếp tục nhận được sự quan tâm của cộng đồng, trở thành động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển./.
Theo QUỐC VIỆT (TTXVN/VIETNAM+)