Sum vầy dịp giỗ Vua
Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng, một giá trị văn hóa đặc biệt, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt. Nhằm tưởng nhớ công đức của vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, cứ vào ngày 29.7 âm lịch hàng năm, trong không khí thành kính thiêng liêng, không chỉ người Bình Ðịnh mà ngày càng có thêm nhiều đồng bào ở mọi miền Tổ quốc, kiều bào ở nước ngoài cùng nhau về tại Bảo tàng Quang Trung (làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) dự lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung.
Tượng đài Quang Trung, nơi diễn ra lễ dâng hương ngày giỗ Vua.
Kiên Mỹ là quê hương thứ 2 của dòng họ Nguyễn Tây Sơn ở Đàng Trong, đây cũng là căn cứ đầu tiên của phong trào Tây Sơn. Do đó, khi nhà Tây Sơn thất thế, để tỏ lòng thương tiếc, biết ơn, từ năm 1823, người dân địa phương đã góp công, của xây dựng đình Kiên Mỹ trên nền nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc để bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn; chọn ngày 29.7 âm lịch là ngày giỗ Vua. Hội đồng bô lão làng Kiên Mỹ chọn ra Ban Tế lễ gồm Chánh bái và Phó Chánh bái để đại diện cho nhân dân cúng tế. Giỗ Hoàng đế Quang Trung được dân ta cử hành giản dị nhưng thiêng liêng, đầy tự hào.
Cô Sáu Minh, một người dân ở khu vực 1A, thị trấn Phú Phong mà tôi ngẫu nhiên thăm hỏi, đã chia sẻ: “Tôi xa nhà cả tháng trời rồi, nhưng đến kỳ giỗ Vua thì ráng về. Vào ngày giỗ Vua, mọi người khắp nơi về đây đông lắm. Nhà ở gần điện thờ, nhưng tôi vẫn phải đến từ sáng sớm để thắp nén hương tỏ lòng biết ơn Vua, chứ đến tầm tỏ mặt người thì đông lắm, không chen chân nổi đâu!”.
Đến từ Hà Nội, bà Trần Mỹ Khôi, 69 tuổi, cho hay: Người Việt mình chọn ngày mất để thực hiện nghi thức cúng giỗ - một cách tưởng nhớ đến người đã khuất. Những người được dân yêu kính thì cả làng cả tỉnh cùng tổ chức giỗ. Như Hoàng đế Quang Trung thì cả dân tộc Việt Nam ghi nhớ công đức. Gia đình chúng tôi gồm 8 người về đây trước một ngày để tưởng nhớ Vua, ngày mai chúng tôi sẽ quay lại cùng mọi người tham gia lễ giỗ.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cứ đến ngày giỗ Vua, ngay cả con em Tây Sơn lập nghiệp ở xa cũng cố gắng trở về và ngày một đông hơn. Đến giờ, anh chị em Hội đồng hương Tây Sơn - Bình Định ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Vũng Tàu đã về đến nơi, những người ở xa, kiều bào ở nước ngoài không về được... cũng giỗ Vua ở nơi họ định cư.
Chưa tới ngày giỗ, du khách đã đến Tây Sơn điện thành kính dâng hương.
Nếu như trước đây, Lễ giỗ Vua Quang Trung do nhân dân làng Kiên Mỹ đóng góp tổ chức, sau đó, có phần đóng góp của Bảo tàng Quang Trung. Mấy năm gần đây, Sở VH&TT tỉnh tổ chức lễ giỗ. Năm 2017, dịp kỷ niệm 225 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung, UBND tỉnh long trọng tổ chức lễ giỗ.
Theo ông Huỳnh Hiệp An, Phó Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH&TT), lễ giỗ Vua vào những năm chẵn sẽ do UBND tỉnh đứng ra tổ chức. Năm nay, dù không phải năm chẵn, nhưng UBND tỉnh vẫn chỉ đạo cho Sở VH&TT cùng Bảo tàng xây dựng kế hoạch tổ chức giỗ, sau đó phê chuẩn kế hoạch thực hiện chi tiết theo tinh thần trang trọng, tiết kiệm. Theo tinh thần này, dự kiến từ nay về sau, lễ giỗ Vua sẽ tổ chức theo hướng xã hội hóa, tức người dân sẽ chung tay cùng Bảo tàng, Sở VH&TT tổ chức, và vẫn duy trì lễ giỗ đậm chất văn hóa dân tộc.
Theo đúng truyền thống, đến ngày giỗ Vua, các vị cao niên của làng Kiên Mỹ sẽ vẫn trực tiếp làm chánh tế, lãnh đạo tỉnh sẽ có mặt để dâng hoa, dâng hương. Năm nay, ngoài tổ chức lễ giỗ ở Bảo tàng Quang Trung (sáng 8.9.2018), trước đó từ chiều 7.9, lãnh đạo tỉnh đã đến Đền thờ thân phụ thân mẫu Tây Sơn Tam Kiệt tại di tích Gò Lăng để thắp hương kính thỉnh.
Mấy năm gần đây, trước ngày giỗ, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh đã đến dâng lễ vật tiến Vua, đây là đặc sản mang đậm tính đại diện cho vùng miền như trà Gò Loi, bưởi da xanh Hoài Ân, rượu Bàu Đá (An Nhơn), nem chả chợ Huyện (Tuy Phước)...
Những ngày này, trên đất Tây Sơn, ta dễ dàng cảm nhận niềm thành kính của đồng bào khi tưởng nhớ đến Hoàng đế Quang Trung.
Thời trước, lễ hiệp kỵ ba anh em nhà Tây Sơn được người dân làng Kiên Mỹ tổ chức vào ngày rằm tháng 11 âm lịch dưới cái tên Lễ Thường tân. Thường tân là lễ cúng mừng lúa mới, gọi như vậy nhằm tránh sự chú ý của triều nhà Nguyễn.
THẢO KHUY