Phòng chống ngộ độc nấm
Trên địa bàn tỉnh Bình Định bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa, là điều kiện thuận lợi để các loại nấm hoang mọc nhiều ở núi rừng, nương rẫy, bờ ao, vườn nhà..., trong số đó có rất nhiều loài nấm độc, không ăn được. Nấm là món ăn được nhiều người ưa thích, vì vậy nếu không có kiến thức và không phân biệt được nấm độc và nấm ăn được thì dễ xảy ra ngộ độc, gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng.
Ở nước ta có khoảng từ 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, trong đó có những loài có độc tố gây chết người như nấm độc tán trắng, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón... Độc tố của nấm nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu. Nên nhớ rằng muốn phân biệt nấm độc và nấm không độc rất khó khăn, vì thế nên thận trọng khi tự mình hái nấm về dùng. Để phòng, tránh ngộ độc do ăn phải nấm độc, nên ghi nhớ:
Để không ăn phải nấm độc:
- Tuyệt đối không ăn nấm lạ, chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được;
- Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ;
- Không hái nấm non khi chưa xòe mũ, vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc;
- Không ăn nấm sặc sỡ, có mùi hắc;
- Không ăn nấm đã bị ôi thiu;
- Trong nhiều trường hợp, nấm độc có màu sắc và hình dạng giống nấm thường, vì thế tốt nhất là hãy thật thận trọng với các loài nấm ở trong rừng, nếu còn nghi ngờ thì không được ăn nó.
Những biểu hiện khi ăn phải nấm độc:
Khi ăn phải nấm độc, tuỳ theo loại nấm mà có các biểu hiện ngộ độc khác nhau, có trường hợp xuất hiện rất nhanh ngay sau khi ăn 20-30 phút, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện sau 2-4 giờ, thậm chí có khi muộn đến 20 giờ. Triệu chứng ngộ độc xuất hiện càng muộn thì tiên lượng bệnh càng nặng, khó điều trị. Thường ngộ độc nấm độc có các triệu chứng chung sau đây:
- Đau bụng dữ dội từng cơn, đi ngoài ra nhiều nước tanh, thối, dính máu;
- Buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu;
- Toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn;
- Hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái;
- Co giật, tăng tiết đờm rãi;
- Đi tiểu ít hoặc không đi tiểu được;
- Khó thở do co thắt phế quản, ứ máu ở phổi.
Khi có các triệu chứng kể trên nên xử trí như sau:
- Nếu bệnh nhân còn tỉnh, cần nhanh chóng gây nôn, rồi chuyển bệnh nhân đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để chữa trị kịp thời. Nhớ mang theo mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn đã chế biến từ nấm đến cơ sở y tế để y bác sĩ có tư liệu cơ sở tham chiếu.
- Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế để nhân viên y tế theo dõi, xử lý.
LÊ VĂN AN (Chi cục ATVSTP tỉnh)