Ðôi điều bàn thêm về xét nghiệm máu
Báo Bình Ðịnh số ra ngày 20.8.2018 có bài “Xét nghiệm máu: Ðể ta là bác sĩ của chính mình”. Sau khi báo đăng bài, nhiều bạn đọc quan tâm và muốn có thêm thông tin về vấn đề này, Báo Bình Ðịnh giới thiệu bài viết của bác sĩ Trần Như Luận - Phó Chủ tịch Hội Y học tỉnh để trả lời chung cho các thắc mắc của bạn đọc.
Kỹ thuật viên Khoa Huyết học của BVĐK tỉnh kiểm tra phản ứng hòa hợp giữa túi máu và bệnh nhân. Ảnh: VĂN LƯU
Tầm quan trọng của xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu là một khâu hết sức căn bản và quan trọng trong quá trình định bệnh và theo dõi kết quả điều trị. Nó là khâu không thể thiếu được trong tổng thể các biện pháp nhằm theo dõi định kỳ chức năng của một số cơ quan, bộ phận hết sức quan trọng trong cơ thể như: gan, thận và cơ quan tạo máu. Đó cũng là khâu quan trọng nhằm đánh giá sự chuyển hóa của một số vi chất hoặc một số yếu tố nguy cơ đối với cơ thể, ví dụ: giảm canxi máu, tăng acid uric máu, rối loạn lipid máu...
Trong kết quả xét nghiệm máu, những chỉ số nào đáng lưu tâm nhất? Trong tổng thể bản kết quả xét nghiệm máu, mọi chi tiết đều hết sức quan trọng. Lý do là vì chúng ta sẽ hết sức lưu tâm đối với những chỉ số bất thường trong lần này, đồng thời lưu tâm những kết quả bình thường lần này, nhưng lần trước lại bất thường.
Những xét nghiệm căn bản nhất nhằm đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe bao gồm:
- Công thức máu (thể hiện chức năng tạo máu hoặc quá trình mất máu).
- Đường huyết lúc đói (để chẩn đoán hoặc theo dõi bệnh đái tháo đường hoặc tình trạng hạ đường huyết).
- Urê, creatinin (thể hiện khái quát chức năng thận).
- Men gan (thường bao gồm: AST, ALT, GGT, nhằm đánh giá chức năng gan).
- Bilan lipid (bao gồm: Cholesterol toàn phần, Triglyceride, HDL-C, LDL-C).
- Canxi huyết (nhằm chẩn đoán bệnh tetany).
- Acid uric máu (nhằm theo dõi nguy cơ xuất hiện bệnh gút và kết quả của một chế độ ăn giảm đạm trong điều trị bệnh gút).
Những xét nghiệm quan trọng nhằm tầm soát một số bệnh nhiệt đới bao gồm:
- HBsAg (để tầm soát bệnh viêm gan vi-rút B).
- Anti HCV (để tầm soát bệnh viêm gan vi-rút C).
Xét nghiệm quan trọng nhằm tầm soát bệnh nhiễm vi khuẩn HP dạ dày:
- Xét nghiệm HP dạ dày.
Xét nghiệm quan trọng nhằm theo dõi bệnh đái tháo đường và đánh giá nguy cơ biến chứng tim mạch của nó):
- HbA1C.
- CRP.
Người bệnh cần lưu ý gì khi xét nghiệm máu:
Thứ nhất: Các chỉ số nói trên nên được phân tích và đánh giá bởi chính bác sĩ đang điều trị. Lý do là vì:
(1) Theo dõi các chỉ số của cơ thể là cả một quá trình, chứ không phải là việc nhất thời.
(2) Nếu không đối chiếu được với các kết quả xét nghiệm của những lần trước, một bác sĩ hoàn toàn mới tiếp xúc với người bệnh sẽ dễ có những quyết định thiếu chính xác về việc thay đổi liều lượng thuốc hoặc ngừng thuốc đột ngột (cụ thể nhất là trong việc điều trị bệnh đái tháo đường type 2 và điều trị một bệnh nhiễm khuẩn mạn tính).
(3) Bác sĩ đang điều trị có lợi điểm là hiểu rõ tình trạng dinh dưỡng và các diễn biến khác của người bệnh trong lịch sử điều trị.
Trong những tình huống mà người bệnh không thể tiếp cận được với bác sĩ đang điều trị thì một bác sĩ khác cũng có thể tham gia phân tích kết quả điều trị nhưng rất cần đối chiếu với kết quả của những lần xét nghiệm trước đó. Bởi vậy, người bệnh nên lưu giữ cẩn thận kết quả những lần xét nghiệm trước đó. Nên xem đó là tài liệu quan trọng trong vấn đề bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Thứ hai: Người bệnh có thể đọc kết quả xét nghiệm để hiểu thêm về thể trạng của mình. Nhưng không nên tự phân tích và đánh giá kết quả xét nghiệm, hãy để công việc đó cho người có chuyên môn, lý do là vì:
(1) Các chỉ số xét nghiệm cần phải được lý giải bằng cái nhìn của một người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và đang trực tiếp theo dõi, điều trị.
(2) Trong bảng kết quả xét nghiệm thường có đính kèm chỉ số xét nghiệm ở mức bình thường, (ví dụ: đường huyết lúc đói bình thường là từ 3.9 đến 6.1 mmol/L) tuy nhiên, không phải cứ ở trên mức đó thì gọi là tăng đường huyết và dưới mức đó thì gọi là hạ đường huyết.
(3) Người bệnh dễ rơi vào những phản ứng tâm lý bất lợi nếu họ liên tục quan tâm thái quá vào các chỉ số theo dõi sức khỏe của chính mình.
Thứ ba: Người bệnh phải tuân thủ theo hướng dẫn của xét nghiệm viên để bảo đảm một quy trình lấy bệnh phẩm (máu) một cách hợp lý và đúng quy cách.
Thứ tư: Định kỳ, người bệnh cần quay trở lại theo lời hẹn để tiếp tục theo dõi trong những lần tiếp theo.
BS TRẦN NHƯ LUẬN
(Phó Chủ tịch Hội Y học tỉnh Bình Định)
Qua bài viết của mình, bác sĩ Trần Như Luận đã cung cấp những thông tin, những điều cần LƯU Ý bổ ích và thiết thực đối với nhiều người trong chúng ta. Theo tôi, trong đó có một điều rất quan trọng, đó là: nhiều người mới chỉ xét nghiệm máu một lần đã vội lo lắng mình mắc bệnh này, bệnh nọ hoặc ở giai đoạn nguy cơ. Ví dụ: thấy chỉ số đường huyết cao đã lập tức nghĩ rằng mình đã bị bệnh tiểu đường, hoặc ở giai đoạn tiền tiểu đường. Hoặc thấy chỉ số mỡ máu cao hơn bình thường đã vội nghĩ ngay đến tình trạng mình bị máu nhiễm mỡ hay nói theo y học là rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Tình trạng lo lắng này, trước hết là do chính các bác sĩ khám(thậm chí có cả kỹ thuật viên xét nghiệm "lanh chanh") không giải thích rõ ràng, đúng nguyên tắc về y học, khiến cho bệnh nhân có xu hướng hiểu rằng mình đã bị bệnh đó, hoặc đang ở trong tình trạng nguy cơ về bệnh đó. Mới chỉ xét nghiệm một lần mà nói với hàm ý như kết luận là không đúng. Điều này, trong bài viết trên, bác sĩ Như Luận cũng đã nêu: "Các chỉ số nói trên cần được phân tích và đánh giá bởi chính bác sĩ đang điều trị". Các bác sĩ điều trị ở đây là các bác sĩ đã có ít nhất 2-3 khám và theo dõi tình trạng sức khỏe, hoặc tình trạng bệnh của bệnh nhân; người đang điều trị cho bệnh nhân. Còn người bình thường, khi có kết quả xét nghiệm mà có vấn đề gì nghi ngờ, cần nên hỏi ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn có nên xét nghiệm máu nữa hay không và cần thực hiện những gì để có kết quả xét nghiệm chính xác hơn. Nói tóm lại: mới chỉ xét nghiệm máu một lần, không nên lập tức nghĩ rằng mình bị bệnh này, bệnh nọ.