Giảm cân bằng thuốc: Lợi bất cập hại
Khi có nhu cầu giảm cân, nhiều chị em nghĩ đến việc dùng thuốc giảm cân siêu tốc để mong có vóc dáng mảnh mai. Tuy nhiên, ít người biết rằng nếu sử dụng những loại thuốc giảm cân, trà giảm cân “thần tốc” thì sẽ nguy hại đến sức khỏe.
Trên mạng xã hội hiện có khá nhiều thông tin quảng cáo bán thuốc giảm cân. Thuốc giảm cân có thể chia thành 3 loại chính: Các thuốc làm đầy ống tiêu hóa, các thuốc gây cảm giác chán ăn và các thuốc làm chuyển hóa chất béo trong cơ thể.
Để giảm cân tốt nhất, chị em nên tập luyện thể dục, yoga, có chế độ ăn hợp lý theo tư vấn của các chuyên gia.
Lúc nào chị N.Q.H (45 tuổi), đường Trường Chinh, TP Quy Nhơn cũng tự ti với vóc dáng của mình. Chị Q.H đã thử ăn kiêng, chạy bộ nhưng vẫn không giảm cân. Được người bạn giới thiệu thuốc xách tay từ Mỹ về, chị Q.H mua hộp thuốc 20 viên với giá 600 ngàn đồng. Hai ngày đầu uống thuốc, chị Q.H thấy người hơi mệt nhưng vui vì gầy đi được một chút, nhưng qua ngày thứ 4 thì cảm thấy buồn nôn và chóng mặt. Chị cứ như người “mất hồn” không thể làm gì được, không nhớ nổi gì nên không dám dùng thuốc nữa.
Một số loại trà giảm cân được quảng cáo trên mạng với những lời lẽ hết sức hấp dẫn: “giảm 5 kg trong 1 tuần”, “đánh tan mỡ bụng mà không cần tập luyện và ăn kiêng”... Chỉ cần gõ Google tìm “trà giảm cân” bạn sẽ nhận 26,5 triệu kết quả quảng bá các loại trà giảm cân. Giá các loại trà này không hề rẻ so với thuốc uống: hộp 15 gói giá 500 ngàn đồng, hộp 30 gói 900 ngàn đồng với quảng cáo toàn thảo dược. Chị Lê Thị Trà My, đường Phan Bội Châu, TP Quy Nhơn, cho biết: “Khi dùng thử trà thảo dược giảm cân thương hiệu V.T, tôi thấy giảm được 5 kg trong vòng một tháng. Nhưng thời gian đó, tôi thường xuyên bị tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn, hoa mắt chóng mặt, da sạm lại, nhăn nheo, các vết nám nổi lên đầy mặt. Tôi phải đi khám ở BVĐK tỉnh, được chẩn đoán bị rối loạn điện giải và có dấu hiệu suy nhược cơ thể. Tôi đang phải thực hiện chế độ dinh dưỡng cũng như chế độ tập luyện để hồi phục sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ, không dám đụng đến trà nữa”.
Có thể thấy, các hình ảnh quảng cáo của thuốc, trà hoặc thảo dược có tác dụng giảm cân đang đánh lừa người tiêu dùng và lợi nhuận khủng đã khiến nhiều người vì lòng tham mà tiếp tay giới thiệu, bán sản phẩm này cho người quen, bạn bè. Nhiều chị em cũng vì tâm lý muốn nhanh chóng có được dáng người gọn đẹp nên mù quáng tin mua để rồi “tiền mất tật mang” vì bị ngộ độc, tổn thương da toàn thân, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận cấp...
Tại Việt Nam hiện nay có khoảng trên 100 loại thuốc giảm cân đang được lưu hành. Ngoài ra, còn rất nhiều các loại thuốc giảm cân tự chế không nhãn mác khác đang được bày bán tràn lan trên mạng. Chị em khi muốn giảm cân cần nắm rõ các tác dụng phụ của thuốc giảm cân để lựa chọn phương pháp đúng khoa học, đảm bảo sức khỏe khi sử dụng. Nên chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm chứng lâm sàng về hiệu quả và có chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên để đảm bảo tính an toàn. Nên xin ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc giảm cân.
Thực tế cho thấy, giảm cân càng nhanh càng gây nguy hiểm. Bất cứ một biện pháp giảm béo nào cũng đều phải tuân theo cơ chế thích nghi của sinh lý cơ thể và nguyên tắc khoa học của giảm cân. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, đường Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn, cho biết: “Tôi cũng thử dùng trà thảo dược giảm cân nhưng bị rối loạn tiêu hóa và tiền đình dẫn đến suy nhược cơ thể trầm trọng. Sau khi điều trị ổn định sức khỏe, tôi cùng con gái đăng ký tập gym ở đường Phạm Ngọc Thạch, tuân thủ mọi giáo án tập luyện cũng như chế độ ăn hợp lý do huấn luyện viên trung tâm đưa ra. Kết quả, hai mẹ con tôi đều giảm 3 - 5 kg trong tháng đầu tiên, sức khỏe lại tốt hơn nhiều”.
Theo các chuyên gia sức khỏe, béo phì có 2 yếu tố chính là gen và môi trường. Yếu tố gen là không can thiệp được, còn yếu tố môi trường, nếu chúng ta can thiệp một cách khoa học thì hoàn toàn có thể giảm cân mà không cần phải sử dụng đến loại thuốc, trà giảm cân nào.
HẢI YẾN