Phục dựng thành công vở tuồng cổ Sơn Hậu: Niềm vui từ lớp nghệ sĩ kế thừa
Tháng 6.2018, Nhà hát tuồng Ðào Tấn khởi công phục dựng vở tuồng Sơn Hậu. Việc phục dựng ngoài mục đích giữ gìn, lưu truyền một vở diễn kinh điển, còn là dịp để các nghệ sĩ trẻ nâng cao tay nghề, kế tục sự nghiệp nghệ thuật Tuồng.
Vở tuồng Sơn Hậu đã được các thế hệ nghệ sĩ đi trước thể hiện rất thành công, trở thành một mẫu mực, vì vậy việc phục dựng đòi hỏi phải trân trọng thế hệ nghệ sĩ đi trước và lao động nghệ thuật nghiêm túc.
Các vai diễn chính trong tuồng Sơn Hậu trong lần phục dựng này được giao cho lớp diễn viên trẻ. Những nghệ sĩ truyền dạy hiện thời tuy đã được xem, được học khá kỹ từ các bậc thầy đi trước nhưng phần đã lớn tuổi, phần thì không ai có thể nhớ hết, tiếp nhận đầy đủ và hiểu biết sâu về mọi điều, nên yêu cầu đặt ra là không nên quá cầu toàn mà cần có sự cảm thông để chung tay đến đích.
Tạ Ôn Đình (trái ngoài cùng) và Khương Linh Tá (phải trong cùng) trong tuồng Sơn Hậu.
Trong lễ khởi công phục dựng, Phó Giám đốc Sở VH&TT Trương Đông Hải gửi gắm: Đừng để cứ mỗi lần, mỗi lớp nghệ sĩ phục dựng tuồng truyền thống lại thêm bớt, thay đổi, sáng tạo không mấy ăn nhập, thậm chí sai lệch rồi dần làm mất đi cái gốc gác, cốt cách chuẩn mực, cái tinh túy của vở diễn tuồng truyền thống, mà lý do là vì chưa đào sâu suy nghĩ, chưa tìm hiểu kỹ, chưa nghiên cứu tới nơi tới chốn, thiếu cân nhắc thận trọng!
Đây là một lời nhắc cần thiết, nhưng không có nghĩa buộc lớp nghệ sĩ kế tục phải “rập khuôn” theo cha anh, không được sáng tạo bồi trúc. Nên trong phục dựng cần phải chú trọng sao cho phù hợp, thuyết phục và cách thể hiện hấp dẫn hơn.
Ví dụ, về âm nhạc, bằng những bản nhạc truyền thống có sẵn, áp dụng sao cho thích hợp với từng hoàn cảnh, tình huống kịch và tính cách của nhân vật thì âm nhạc mới làm tốt chức năng hỗ trợ sân khấu. Có khi chỉ trên một bài nhạc truyền thống cùng chung giai điệu, thang âm, điệu thức nhưng được áp dụng cho nhiều trạng thái biểu cảm.
Từ nhận thức trên, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã thảo luận, đề ra cách thức triển khai việc phục dựng vở tuồng cổ Sơn Hậu hết sức thận trọng và khoa học. Về khâu kịch bản, Nhà hát đã chọn vở tuồng do kịch tác gia Tống Phước Phổ (1902 - 1991, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, đợt I) biên kịch và Đoàn tuồng Liên khu V - lúc còn tập kết ở miền Bắc - xây dựng thành vở diễn, được dư luận đánh giá cao.
Hội đồng Nghệ thuật của Nhà hát chủ trì trong suốt quá trình phục dựng tuồng Sơn Hậu, mời các thầy cô đã từng được diễn, được học hỏi các bậc thầy đi trước trực tiếp truyền dạy cho lớp diễn viên thủ vai (bằng phương pháp vừa giảng giải vừa thị phạm về hát - múa - diễn xuất). Sau một thời gian truyền dạy từng vai diễn, phối hợp riêng lẻ các nhóm nhân vật có quan hệ giao lưu với nhau, rồi móc nối tổng thể các màn lớp xuyên suốt từ đầu đến cuối vở tuồng để lấy ý kiến đóng góp.
Tiếp sau đó, Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát tổng hợp các ý kiến đóng góp để tiếp thu, điều chỉnh, bổ cứu. Rồi lại tiếp tục triển khai tập luyện đợt hai, đợt ba… theo cách thức trên cho đến khi tương đối ổn định.
Các lĩnh vực khác như âm nhạc, cảnh trí, phục trang, đạo cụ, hóa trang, âm thanh, ánh sáng cũng được lưu tâm nhận xét.
Trong lần tổ chức sơ duyệt nội bộ mới đây, Hội đồng nghệ thuật đã thống nhất nhận xét, tuy vẫn còn những chỗ cần tiếp tục bồi bổ, nâng cao nhưng nhìn chung đã có sự gắn kết đồng bộ các yếu tố hợp thành vở diễn. Đáng chú ý là đã bộc lộ rõ nét từng vai diễn, người xem có thể nhận ra tố chất nổi bật từ các nhân vật. Với kết quả đạt được, Nhà hát tổ chức báo cáo tổng duyệt, xin ý kiến của lãnh đạo cấp trên và đã tiếp thu thêm những đóng góp bổ sung. Thành công cơ bản trong phục dựng tuồng Sơn Hậu được ghi nhận, vở diễn đã được thông qua (7.2018) và sau đó, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định ghi hình, phát sóng trực tiếp phục vụ công chúng.
ĐÀO DUY KIỀN - THÚY HƯỜNG