Phòng ngừa bệnh đau dạ dày
Bệnh đau dạ dày hay còn gọi là bệnh đau bao tử, bệnh loét dạ dày - tá tràng là hiện tượng dạ dày bị tổn thương chủ yếu do viêm loét bởi vi khuẩn Helicobacter Pylori gây ra.
Khi mắc bệnh, người bệnh có biểu hiện đau rát ở vùng mũi ức, còn gọi là vùng thượng vị. Cơn đau có liên quan rõ rệt với các bữa ăn: Khi đói hay đau kiểu nóng, rát; khi no ít thì đỡ đau; nếu ăn quá no thì đau tức. Một số thức ăn có thể làm phát sinh cơn đau, ví dụ: thức ăn có vị chua, sô cô la,thịt mỡ. Nếu uống phải aspirin và các thuốc cùng nhóm thì bệnh lập tức nặng lên do tính chất axit của thuốc. Triệu chứng của đau dạ dày còn bao gồm ợ chua, ợ hơi, khi có dấu hiệu này thì khả năng bị đau dạ dày là rất lớn do sự vận động không ngừng của dạ dày bị rối loạn khiến thức ăn khó tiêu dẫn đến lên men và sinh ra ợ hơi.
Đáng chú ý, người cao tuổi, người hút thuốc lá, thường xuyên thức đêm, sử dụng bia rượu dễ bị mắc bệnh đau dạ dày hơn người trẻ, người không hút thuốc lá, ít bia rượu hay không thức đêm. Đặc biệt trong số những bệnh nhân bị đau dạ dày có đến 80% người bệnh là do vi khuẩn Helicobacter Pylori và có khoảng 25% người đã bị nhiễm vi khuẩn này nhưng vẫn chưa bị viêm loét dạ dày cho đến khi gặp các tác nhân có lợi như hút thuốc lá, uống nhiều cà phê. Nguyên nhân gây ra bệnh đau dạ dày còn do lạm dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau, thuốc trị đau nhức khớp thường xuyên. Hầu hết các loại thuốc này khiến chất bảo vệ dạ dày là prostagladine bị giảm khiến dạ dày dễ bị viêm loét.
Bác sĩ Trần Như Luận - Phó Chủ tịch Hội Y học tỉnh cho biết thêm: “Cách điều trị tốt nhất là dùng kháng sinh đặc hiệu phối hợp với một thuốc ức chế proton H+. Thời gian điều trị là 6 tuần theo đúng phác đồ của Tổ chức Sức khỏe thế giới. Trong một vài nghiên cứu cho thấy nghệ có tác dụng làm lành vết loét dạ dày; tinh chất nghệ làm lành vết thương ngoài da và chóng liền sẹo”.
Để phòng bệnh đau dạ dày nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, điều độ; thực hiện tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ; vừa ăn vừa làm việc để giảm bớt gánh nặng hoạt động cho dạ dày. Tránh sử dụng các chất kích thích, không hút thuốc, uống nhiều rượu, bia... Hạn chế và tránh mắc vào tình trạng căng thẳng, stress - đây là nguyên nhân làm tăng sản sinh axít dạ dày và tiêu hóa chậm, gây rối loạn dạ dày lâu dần gây nên các chứng bệnh đau dạ dày và nhiều chứng bệnh khác. Tóm lại, nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, giải tỏa stress, luôn giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ chính là biện pháp hỗ trợ phòng bệnh đau dạ dày nói riêng và các căn bệnh khác nói chung.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm TT-GDSK tỉnh)