Ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc: Ðảm bảo sức khỏe cho người dùng
Hoạt động cung ứng thuốc ở nước ta nói chung, ở tỉnh Bình Ðịnh nói riêng còn nhiều bất cập, như: nguồn gốc, chất lượng thuốc không đảm bảo, mua bán thuốc không theo đơn... gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc là cách làm có nhiều ưu điểm góp phần giải quyết những tồn tại trên.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối cơ sở cung ứng thuốc (8.2018), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, quản lý thuốc ở Việt Nam còn lỏng lẻo, đây là nguyên nhân chủ yếu khiến tỉ lệ kháng kháng sinh đứng vào nhóm hàng đầu thế giới, việc mua thuốc không cần đơn quá dễ dàng. Kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc hướng tới xử lý tình trạng này.
Dự kiến trong tháng 11.2018 việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc sẽ bắt đầu được triển khai ở tỉnh Bình Định.
- Trong ảnh: Mua bán thuốc ở một cửa hàng của Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định.
Những tình trạng xấu kể trên diễn ra phổ biến ở mọi địa phương, giới, ngành nghề, độ tuổi... Chị Nguyễn Thùy Linh (27 tuổi, TX An Nhơn) cho biết: “Khi bị bệnh nặng thì tôi đi đến bệnh viện, còn những bệnh như cảm, sốt, nhiễm trùng thông thường thì tôi ra nhà thuốc mua, như vậy vừa thuận tiện vừa đỡ phải chờ lâu”.
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Trương cho biết: “Hiện nay, Sở Y tế đã dự thảo xong Kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2018 và đã gửi cho Sở TT&TT xem xét, góp ý kiến. Theo Kế hoạch, dự kiến ngày 1.11 tới đây các cơ sở bán buôn thuốc và nhà thuốc trên địa bàn tỉnh ta sẽ chính thức thực hiện phần mềm kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc”.
Cũng như cả nước, triển khai thành công ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại Bình Định sẽ gián tiếp và tiến tới trực tiếp loại bỏ mọi hành vi gian lận trong sản xuất, kinh doanh thuốc; giúp người dân có thể kiểm tra thuốc ngay tại nhà thuốc về nguồn gốc xuất xứ, đơn vị nhập khẩu, hạn sử dụng cho đến giá thuốc, liều dùng… Trong trường hợp phát hiện bất thường về chất lượng thuốc người mua có thể thông báo ngay cho cơ quan quản lý.
Để quản lý chặt chẽ, toàn diện, Tập đoàn Viettel - đối tác của Bộ Y tế - xây dựng: Hệ thống quản lý nhà thuốc; cơ sở dữ liệu Dược quốc gia; cổng tra cứu trên web và ứng dụng tra cứu thuốc trên di động cho người dân, đồng thời cảnh báo thuốc giả, thuốc kém chất lượng đến cơ quan quản lý.
Với các nhà thuốc, việc áp dụng các ứng dụng, phần mềm CNTT còn giúp các đơn vị này thuận tiện trong việc quản lý bán hàng, kiểm soát chuỗi nhà thuốc, nhân viên, tránh thất thoát, giảm thời gian, chi phí, tăng hiệu quả hoạt động; liên thông dữ liệu được yêu cầu lên Hệ thống quản lý Dược quốc gia.
Năm 2018 Sở Y tế sẽ triển khai áp dụng cho 18 cơ sở bán buôn thuốc, 183 nhà thuốc trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai phần mềm kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc, kết nối vào cơ sở dữ liệu Dược quốc gia có lộ trình thực hiện từng bước, riêng đối với vùng sâu, vùng xa, hải đảo các cơ sở cung ứng thuốc là quầy thuốc, đại lý bán lẻ thuốc đến ngày 1.1.2020 mới bắt buộc phải áp dụng.
Ông Trần Văn Trương cho biết thêm, việc áp dụng phần mềm kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc, kết nối vào cơ sở dữ liệu Dược quốc gia là bắt buộc theo quy định của Nhà nước để đảm bảo sức khỏe của người dân; chi phí thuê đường truyền internet, mua phần mềm kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc do cơ sở cung ứng thuốc tự chi trả theo giá thỏa thuận với nhà cung cấp.
Trao đổi với PV, dược sĩ một nhà thuốc trên đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn (xin không nêu tên) chia sẻ: “Quy định của nhà nước thì chúng tôi chấp hành, việc ứng dụng CNTT đã được thí điểm ở 4 tỉnh, qua đó, tôi nghĩ các cơ quan chức năng sẽ rút kinh nghiệm để đề án được triển khai hiệu quả nhất”.
Bộ Y tế đã xây dựng cơ sở dữ liệu Dược quốc gia và phần mềm triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc thí điểm tại Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Ðịnh. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã chuẩn hóa được 52.000 trên 60.000 danh mục thuốc y tế. Qua thời gian thí điểm có 29 tỉnh triển khai thực hiện việc ứng dụng CNTT kết nối nhà thuốc. Theo đó, 29 tỉnh đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc, có 1.915 cơ sở thường xuyên cập nhật số liệu về hoạt động mua bán thuốc, quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc.
THẢO KHUY