Hiệu quả ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất
Thời gian qua, công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ở Tuy Phước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân.
Ở lĩnh vực trồng trọt, các ứng dụng như sản xuất thâm canh lúa áp dụng công nghệ sinh học; xây dựng mô hình quản lý dinh dưỡng tổng hợp ICM, IPM; kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI; thực hiện cấp 1 hóa giống lúa đạt tỉ lệ 98%; gắn ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến với mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn trên 3.848 ha sản xuất lúa, năng suất đạt từ 71 - 76 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân của huyện 3 - 4 tạ/ha; cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo trồng và thu hoạch đạt 95%... đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Mô hình sản xuất rau an toàn tại thôn Luật Lễ, xã Phước Hiệp. Ảnh: TẤN HÙNG
Trên lĩnh vực thủy sản, tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành chức năng đã xây dựng 2 mô hình nuôi tôm an toàn sinh học quy mô 43 ha ở Phước Thắng và Phước Sơn; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp cá rô phi đơn tính mang lại hiệu quả cao, có thể thay thế cho phương thức nuôi tôm phổ biến hiện nay.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Công ty Giống gia cầm Minh Dư đã đầu tư công nghệ tự động hóa khép kín từ khâu cung cấp thức ăn đến khâu thu hoạch sản phẩm. Huyện đã quy hoạch 11 điểm chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh tại 11 xã. Xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi gia cầm bằng đệm lót sinh học nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn, giảm dịch bệnh cho đàn gia cầm, giảm công sức dọn chuồng trại, lợi nhuận mang lại cao hơn.
Ngành Nông nghiệp huyện đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi vịt biển tại xã Phước Hòa, kết quả cho thấy vịt biển có thể sinh sống ở khu vực biển địa phương, có khả năng nhân rộng nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho thị trường. Giống bò BBB, Red Angus… cũng được lai tạo nhằm phát triển đàn bò thịt chất lượng cao, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Nhìn chung, kết quả ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp ở Tuy Phước đã góp phần tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, bảo vệ môi trường trong sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.
Hơn 2 năm qua, huyện đã chi hơn 6,3 tỉ đồng cho hoạt động KH&CN, trong đó có hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, tuy nhiên vẫn còn thiếu so với yêu cầu thực tế. Theo ông Vũ Tiến Hiệp, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy Phước, từ nay đến 2020, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Ngoài ra, vấn đề ổn định giá cả, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp cũng rất quan trọng, cần quan tâm, vì đây là cơ sở để các ứng dụng KH&CN phát huy vai trò của mình.
NGÔ HỒNG SƠN