WEF ASEAN 2018 góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam
Ấn tượng với số lượng các lãnh đạo cấp cao trong khu vực và trên thế giới (bao gồm 7 Tổng thống, Thủ tướng và gần 50 Bộ trưởng) khẳng định tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN 2018 từ ngày 11 đến 13.9 tại Hà Nội, Chủ tịch Điều hành WEF Borge Brende đánh giá cao "sức hấp dẫn" ngày càng tăng của “dải đất hình chữ S” trên trường quốc tế, đồng thời coi trọng tinh thần trách nhiệm và sự quyết liệt của chủ nhà Việt Nam góp phần để Hội nghị diễn ra thành công.
Từ WEF Đông Á 2010 và WEF Mekong 2016
Tham gia vào WEF từ năm 1989 đến nay, Việt Nam luôn coi trọng nền tảng hợp tác với diễn đàn kinh tế có uy tín hàng đầu thế giới này bởi những sáng kiến và tinh hoa mà cả WEF và Việt Nam đã cùng đóng góp, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Năm 2010, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á lần thứ 19 (tiền thân của Hội nghị WEF ASEAN) từ ngày 6 - 7.6 tại TP Hồ Chí Minh.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 là chủ đề chính của WEF ASEAN năm nay.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Đoàn Xuân Hưng, người từng có nhiều năm gắn bó với WEF khi phụ trách mảng kinh tế đối ngoại của Bộ Ngoại giao và là thành viên của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế, ban đầu phía Ban tổ chức WEF bày tỏ lo ngại về khả năng thành công bởi chưa bao giờ diễn đàn này được tổ chức ở một nước "đang phát triển" như Việt Nam. Do đó, WEF quyết định giảm quy mô của WEF Đông Á 2010 như một diễn đàn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhận biết được thách thức luôn song hành cùng những cơ hội, bởi WEF có thể nói là một "chợ ý tưởng" cực kỳ lớn, nơi quy tụ gần như tất cả các chính khách đương chức, các cựu chính khách, doanh nghiệp nổi bật trên toàn cầu tới trao đổi ý tưởng và xu hướng, nên phía Việt Nam đã tiếp tục làm việc, trao đổi thêm nhiều lần với WEF.
Cuối cùng, sau những buổi làm việc tích cực với những phân tích có lợi cho cả hai bên, WEF và Việt Nam đã có được sự đồng thuận lớn và nhất trí tổ chức diễn đàn quy mô như các nước khác tại Việt Nam.
WEF Đông Á lần thứ 19 với chủ đề "Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu", Việt Nam đã tổ chức được 20 phiên họp chính thức, đề ra nhiều giải pháp mà các nền kinh tế sau này vận dụng để vượt qua cuộc khủng khoảng kinh tế. Chính bởi vậy, các thành viên tham dự WEF Đông Á 2010 đã đánh giá rất cao sáng kiến của Việt Nam đóng góp vào nỗ lực chung của quốc tế vượt qua khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 - 2009.
Qua hội nghị này, Việt Nam gây được dấu ấn mạnh mẽ đối với các lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tham dự hội nghị, đồng thời được Ban lãnh đạo WEF đánh giá rất cao. Việc tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á 2010 đã góp phần quảng bá tốt cho Việt Nam nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trong quá trình phục hồi, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các thị trường ổn định và có khả năng ứng phó tốt với các cuộc khủng hoảng.
Năm 2016, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Mekong (WEF-Mekong) và hội nghị này đã được diễn ra lần đầu tiên vào ngày 25.10 tại Hà Nội, nhằm quảng bá về Tiểu vùng Mekong đến với các doanh nghiệp trên thế giới.
Với chủ đề "Phát triển khu vực Mekong: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối," hội nghị đã diễn ra 5 phiên họp tập trung thảo luận nhiều vấn đề về phát triển và hội nhập của các nước Mekong như tầm nhìn, định hướng phát triển khu vực Mekong, huy động nguồn lực cho phát triển...
Đến WEF ASEAN 2018
Tiếp nối những thành công và ghi nhận của các thành viên WEF, Việt Nam tiếp tục được tin tưởng đảm nhận vai trò chủ nhà tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018. Diễn ra trong bối cảnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình thế giới và khu vực biến chuyển nhanh, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng sâu sắc, Hội nghị thu hút được sự tham dự của khoảng 1000 đại biểu quốc tế, trong đó đặc biệt là sự tham dự của số lượng “chưa từng có” các lãnh đạo cấp cao trong khu vực và trên thế giới bao gồm 7 Tổng thống, Thủ tướng và gần 50 Bộ trưởng.
Chủ đề của Hội nghị WEF ASEAN năm 2018 là “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0” được chính giới, doanh nghiệp, bạn bè và đối tác quốc tế, nhất là các nước ASEAN, tích cực hưởng ứng, đánh giá đây là chủ đề phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; phản ánh sự quan tâm chung của các nước ASEAN và khu vực, gắn kết và bổ sung cho chủ đề chung của ASEAN năm 2018 là hướng tới “ASEAN tự cường và sáng tạo".
Là nước chủ nhà và đồng tổ chức Hội nghị WEF ASEAN, Việt Nam đã tạo được dấu ấn khi đưa vấn đề Cách mạng công nghiệp 4.0 vào nội hàm chủ đề của Hội nghị, cũng như lồng ghép nhiều vấn đề Việt Nam và các nước ASEAN quan tâm vào nội dung nghị sự của Hội nghị như khởi nghiệp sáng tạo, hạ tầng và đô thị thông minh, lao động-việc làm trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp công nghệ cao...
Không phải ngẫu nhiên Hội nghị WEF ASEAN năm 2018 thu hút được sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao các nước và đông đảo tập đoàn quốc tế hàng đầu, cũng như sự tham dự của cả Chủ tịch sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF. Điều này không chỉ thể hiện chủ đề, nội dung Hội nghị WEF ASEAN đáp ứng quan tâm và lợi ích chung của khu vực và thế giới, mà còn khẳng định vai trò quan trọng và vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới, nhất là sau khi đã tổ chức thành công Năm APEC 2017.
Theo Linh Đan (cand.com.vn)