Phát triển công nghiệp vùng duyên hải miền Trung:
Liên kết vùng, đầu tư có trọng điểm
Tại buổi tọa đàm phát triển công nghiệp (CN) vùng duyên hải miền Trung (DHMT) trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng DHMT vừa được Ban Điều phối vùng DHMT và UBND TP Đà Nẵng tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã có những ý kiến sâu sắc, thiết thực quanh vấn đề này. PV Báo Bình Định đã ghi nhận một số ý kiến sau…
Tiến sĩ Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm tư vấn phát triển vùng DHMT:
Vùng DHMT với 9 tỉnh trải dài theo bờ biển hơn 1.400 km, là mặt tiền của nước ta hướng ra biển Đông và Thái Bình Dương, là cửa ngõ giao thương với các nước trong khu vực, có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, trong đó phát triển các ngành CN gắn với lợi thế từ biển. Tuy nhiên, để có thể chuyển tiềm năng thành lợi thế kinh tế trong cạnh tranh khu vực và toàn cầu, trước hết cần có sự tiếp cận phát triển theo quy mô vùng.
Lâu nay chúng ta có quá nhiều tham vọng, đưa ra quá nhiều dự án, dàn trải đầu tư thành ra đấy là cái điểm mà liên kết vùng phải xử lý cho được để trong cái hữu hạn về nguồn vốn chúng ta có thể phát huy được cái chung của vùng mà có lợi cho từng địa phương. Để thu hút đầu tư tạo động lực cho sự phát triển, các địa phương vùng DHMT cần cải thiện kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính và phát huy các nhân tố tác động mang tính đột phá như: đất đai, nguồn nhân lực; mở rộng liên kết tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chứ không giới hạn trong cụm ngành, địa phương. Muốn như vậy, trước hết cần có sự tiếp cận phát triển theo quy mô vùng, đầu tư có trọng điểm, hình thành các cụm liên kết sản xuất để trở thành địa bàn đầu tư tiềm năng của cả nước.
Tiến sĩ Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển:
Quy hoạch phát triển CN vùng DHMT cần có tầm nhìn tổng thể, gắn với chiến lược phát triển ngành CN cả nước và sự nhất quán trong điều tiết của Chính phủ. Định hướng cơ cấu ngành CN cho các địa phương vùng DHMT, cần tận dụng lợi thế vốn có của từng địa phương về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý… để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành CN của từng địa phương cũng như toàn vùng.
Trước mắt, mỗi địa phương nên tập trung vào một lĩnh vực/nhóm ngành đang có điều kiện mở rộng. Chẳng hạn, Thừa Thiên - Huế tập trung hơn cho phát triển ngành CN dệt may, da giày. Đà Nẵng lấy ngành điện tử, tin học, công nghệ cao làm trọng tâm phát triển. Quảng Nam đẩy mạnh các ngành CN hỗ trợ, đặc biệt là ngành sản xuất linh kiện, lắp ráp phụ tùng xe máy, ô tô. Quảng Ngãi với sự ngày càng lớn mạnh của Khu kinh tế Dung Quất đã định hướng phát triển các ngành CN nặng trong giai đoạn sắp đến. Bình Định phát triển ngành CN sản xuất và chế biến gỗ, chế biến thức ăn chăn nuôi. Phú Yên tận dụng thế mạnh của mình để phát triển ngành CN chế biến và xuất khẩu thủy sản. Khánh Hòa đầu tư và tập trung hơn nữa cho ngành CN cơ khí đóng tàu. Ninh Thuận ưu tiên phát triển loại hình CN sạch. Bình Thuận đẩy mạnh sự phát triển ngành CN chế biến nông - lâm - thủy sản, hay các ngành năng lượng như nhiệt điện, năng lượng gió…
Phó Giáo sư, tiến sĩ Bùi Quang Bình - Đại học Kinh tế Đà Nẵng:
Vùng DHMT cần thống nhất quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung. Trong đó, cần tiến hành phân công lao động và thực hiện chuyên môn hóa sâu để có thể khai thác tiềm năng và các thế mạnh của mỗi địa phương và toàn vùng để phát triển CN. Mỗi tỉnh cần xây dựng cho mình một cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu CN hợp lý, trong đó tập trung vào một số nhóm sản phẩm CN nhất định để thúc đẩy sự phát triển CN của mình, đồng thời tạo ra một cơ cấu lãnh thổ trên cả khu vực một cách hợp lý.
Hiện nay, hầu như tất cả các địa phương vùng DHMT gần như có định hướng phát triển CN giống nhau, tạo ra sự phân tán lãng phí. Định hướng phát triển CN vùng DHMT cần hướng đến chiều sâu, phù hợp với xu hướng tái cấu trúc kinh tế Việt Nam; CN thật sự trở thành động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình CN hóa, hiện đại hóa và hợp tác quốc tế. Chính quyền các địa phương vùng DHMT cần có chính sách ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi để các DN CN ngoài nhà nước có thể phát huy vai trò động lực chính, thúc đẩy CN tăng trưởng cả về số lượng, quy mô và trình độ tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tập trung phát triển nguồn nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển các ngành CN chế biến một cách ổn định và bền vững.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Huy - Đại học Kinh tế Đà Nẵng:
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã đặt ra cho các DN, các ngành, vùng miền và quốc gia phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh. Để giúp khách hàng, các đối tác dễ dàng nhận ra sản phẩm của DN mình, ngành hoặc quốc gia mình thì tiếp thị là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất. Trong quá trình cạnh tranh, mỗi vùng miền, mỗi đất nước cần có những cách xây dựng hình ảnh khác nhau dựa trên lợi thế riêng có. Cần nói ngay, không ít thì nhiều địa phương nào cũng đang sở hữu cho mình một thế mạnh nào đó. Chẳng hạn, Bình Định, Phú Yên có lợi thế nhất định về ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản so với Thừa Thiên - Huế…
Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm CN địa phương trước tiên phải nằm trong kế hoạch và là trách nhiệm của lãnh đạo từng địa phương trong chiến lược phát triển kinh tế và phải có sự tổng hợp sức mạnh của DN trong từng ngành. Chỉ khi nào lãnh đạo địa phương ý thức được những giá trị, mục tiêu trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm CN địa phương mình thì mới có quyền hy vọng về một sự quảng bá rộng khắp hình ảnh của sản phẩm CN địa phương mình với khách hàng trong nước và quốc tế.
NGỌC THÁI (Ghi)