Khắc phục bệnh lười học lý luận chính trị
Một trong những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị hiện nay được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Ðảng xác định là “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Những biểu hiện suy thoái
Lười học lý luận chính trị không phải là một thứ “bệnh” mới phát sinh, mà từ lâu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong những hạn chế của cán bộ, đảng viên trong học tập và nghiên cứu lý luận, gắn lý luận với thực tiễn. Người coi đây là “bệnh” thuộc chủ quan của cán bộ, đảng viên; được chia làm 3 nhóm: kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông. Ba biểu hiện của căn bệnh nêu trên đến nay vẫn còn, tuy có lúc, có nơi và được thể hiện ở mức độ khác nhau.
Hội nghị triển khai quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng do Tỉnh ủy tổ chức.
Biểu hiện lười học lý luận chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên thể hiện qua thái độ thiếu nghiêm túc khi tham gia các lớp học nghị quyết, bồi dưỡng về lý luận chính trị. Chỉ “có mặt” để điểm danh chứ chưa thực tâm chú ý lắng nghe báo cáo viên, giảng viên truyền thụ kiến thức lý luận chính trị; khi làm bài thu hoạch thì tình trạng sao chép diễn ra khá phổ biến. Tình trạng lười học, không suy nghĩ, thiếu nghiên cứu và không biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; thiếu quan tâm đến các nghị quyết của Đảng, cho rằng chỉ cần có trình độ chuyên môn là đủ... đã và đang là căn bệnh nguy hiểm biểu hiện trong suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Hệ quả của bệnh lười học lý luận chính trị dẫn đến tình trạng, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước chậm được triển khai, cụ thể hóa và đi vào cuộc sống. Việc lười học lý luận chính trị dẫn đến “nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu…”. Từ đó, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực tế, đã có một số cán bộ, đảng viên hiểu sai, làm trái với đường lối, nghị quyết của Đảng, gây ra sự bất bình, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Các giải pháp
Căn “bệnh” trên có nhiều nguyên nhân, chủ quan có, khách quan có, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ chính cá nhân người học. Người học không coi học tập lý luận chính trị vì mục đích tự thân mà vì lý do thăng tiến, học để lấy bằng cấp, để đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm. Hoặc thậm chí có người học cho có học, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ ngại đọc, không chịu khó nghiên cứu nghị quyết, cho rằng nó trừu tượng và khô khan, thậm chí nghĩ rằng học cũng không có ích gì!
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của người học; chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên có mặt hạn chế.
Để chấn chỉnh và khắc phục bệnh lười học lý luận chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định vừa ban hành Kế hoạch số 41-KH/TU về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9.2.2018 của Ban Bí thư (khóa XII) “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”.
Theo đó, các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn; học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó, chú ý đến vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đồng thời, đề ra giải pháp để cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ đều phải thường xuyên học tập lý luận chính trị; phải chủ động xây dựng kế hoạch tự học tập lý luận chính trị để nâng cao trình độ lý luận và năng lực công tác trong thực tiễn; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
HIẾU THẢO