Ðể lễ nghiêm trang, hội vui tươi
Lần đầu tiên, một nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội đã được ban hành, đó là Nghị định 110/2018/NÐ-CP, ban hành ngày 29.8.2018, có hiệu lực từ ngày 15.10.2018. Không chỉ là cơ sở cho công tác quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội, Nghị định được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng giúp hoạt động này nền nếp hơn trong thời gian tới.
Trước Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội (gọi tắt là NĐ 110), NĐ 103/2009 về quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng đã dành riêng một chương (chương V - Tổ chức lễ hội) để quy định về một số vấn đề cơ bản của lĩnh vực này. Sau đó, Thông tư 15/2015 quy định về tổ chức lễ hội (do Bộ VH-TT&DL ban hành) tiếp tục cụ thể hóa nhiều nội dung cho hoạt động. Nhưng thực tế đời sống cho thấy việc quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội còn nhiều bất ổn, biến tướng, thậm chí có nơi đã lạm dụng khiến lễ hội rời xa mục đích tốt đẹp ban đầu. Thực tế đó khiến Nhà nước phải ban hành, bổ sung văn bản pháp lý để chấn chỉnh.
Dù rất đông người trẩy hội nhưng Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn chưa bao giờ có tình trạng hỗn loạn, mất trật tự (ảnh chụp trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn, dịp Tết Mậu Tuất 2018).
Quy định cụ thể, nhiều điểm mới
Theo Chánh Thanh tra Sở VH&TT Bùi Xuân Lý, NĐ 110 (gồm 4 chương, 24 điều) có nhiều điểm mới về nội dung, được quy định chặt chẽ, cụ thể.
Theo đó, Nghị định nêu rõ về nguyên tắc tổ chức lễ hội (gồm 7 khoản), trong đó chú trọng yêu cầu tổ chức lễ hội truyền thống phải đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp, loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân; không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; hạn chế sử dụng ngân sách, đẩy mạnh xã hội hóa trong tổ chức lễ hội…
Xác định “người tham gia lễ hội” là nhân tố quan trọng trong lễ hội, NĐ 110 dành riêng một mục để quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của đối tượng này. Trong đó có cả phần quy định thêm cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức
“Nhiều năm qua, Bình Định chẳng những không nằm trong “điểm nóng” về lễ hội mà luôn được đánh giá cao ở cả 3 mặt quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội”.
Một điểm mới khá đặc biệt của NĐ 110 là quy định về việc “tạm ngừng tổ chức lễ hội”, nếu: tổ chức sai lệch với nội dung, giá trị của lễ hội; gây mất ANTT, an toàn xã hội…; ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương; phát tán, tuyên truyền bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Quy định mới này được xem là động thái kiên quyết và là căn cứ để xử lý đối với một số lễ hội có biểu hiện biến tướng, bạo lực, phản cảm.
Điểm mới và nâng cao nữa là NĐ 110 quy định rõ ràng, chi tiết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền về lễ hội. Theo đó, Nghị định dành hẳn 1 chương với những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và phân cấp trách nhiệm từ bộ (Bộ VH-TT&DL), các ngành liên quan đến UBND cấp tỉnh, huyện, xã.
Thêm tác động tích cực
Theo ông Bùi Xuân Lý, qua kiểm tra, đánh giá của Bộ VH-TT&DL về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên cả nước nhiều năm qua, Bình Định chẳng những không nằm trong “điểm nóng” về lễ hội mà luôn được đánh giá cao ở cả 3 mặt quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội.
Ưu điểm của lễ hội tại Bình Định là đảm bảo về nội dung, ý nghĩa, bản sắc; tổ chức đúng quy mô, trang trọng nhưng tiết kiệm; bảo đảm ANTT. Tại Bình Định chưa từng xảy ra những bất ổn như: cuồng tín, phản cảm, bạo lực, hỗn loạn, mất ANTT. Ngay cả những lễ hội có sức hút lớn như lễ hội Đống Đa (huyện Tây Sơn), lễ hội chùa Ông Núi (huyện Phù Cát) cũng chưa từng để xảy ra hình ảnh tiêu cực.
Để có thể đánh giá hiệu quả thực tế của NĐ 110 đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên cả nước hay tại địa phương, phải chờ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định một thời gian. Song trước mắt, ông Bùi Xuân Lý nhận định: “Ít nhất lĩnh vực này đã có một hành lang pháp lý quan trọng để tổ chức, quản lý, tham gia, do đó chắc chắn mang lại những tác động tích cực. Riêng ở Bình Định, với đặc điểm, truyền thống yên bình, nền nếp đã định hình, tôi tin Nghị định càng giúp bộ mặt lễ hội trong tỉnh văn minh hơn”.
SAO LY