Tham gia hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc: Chuẩn bị tốt cho Hội giảng
Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc chính thức diễn ra vào ngày 15.9. Ba giảng viên đại diện của Bình Ðịnh đã hoàn tất khâu chuẩn bị và lên đường tham gia Hội giảng với tâm thế tốt nhất.
Nếu các lần trước, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là Hội giảng) chủ yếu tập trung đánh giá năng lực tích hợp, thì lần này Hội giảng tập trung đánh giá năng lực giảng viên trên cả 3 loại giáo án: lý thuyết, thực hành, tích hợp. Thời điểm công bố quy tắc mới gần sát thời điểm khai mạc Hội giảng, khiến không ít giảng viên các trường nghề lo lắng bởi phần lớn các tiết giảng thực tế của họ tích hợp cả lý thuyết và thực hành.
Giáo viên Lê Quang Hưng hướng dẫn sinh viên trong một tiết giảng sẽ dự thi tại Hội giảng.
Giáo viên Thái Ngọc Trường (Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, dự thi nghề hàn) chia sẻ: “Giáo viên các trường nghề vốn quen với các tiết giảng tích hợp. Tuy nhiên, năm nay có sự tham gia của nhiều trường từ ngành GD&ĐT chuyển sang, quy tắc hội giảng thay đổi nên tôi chuẩn bị kỹ lưỡng cả 3 tiết giảng dưới sự hỗ trợ, góp ý của các nhà giáo giàu kinh nghiệm”.
Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Hội giảng, các giáo viên dự Hội giảng của Bình Định đã nghiên cứu và áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy, tích hợp các phương tiện nghe, nhìn trực quan thông qua bảng biểu, video, giáo án điện tử...
Giáo viên Lê Quang Hưng (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, dự thi nghề điện công nghiệp) cho biết: “Chúng tôi áp dụng công nghệ thông tin, các thiết bị tự làm vào các tiết giảng khá nhiều nhằm giúp sinh viên (SV) dễ tiếp thu kiến thức, nhớ lâu. Ví dụ, ở tiết giảng lý thuyết có tên “Giải mạch điện bằng phương pháp dòng điện nhánh”, tôi viết một phần mềm mô phỏng mạch điện. Ở tiết thực hành và tiết tích hợp, tôi sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy nghề tự làm, giúp SV quan sát và thực hành được ngay”.
Giáo viên Lê Thị Tuyết Minh giảng thử các tiết giảng tham dự Hội giảng toàn quốc.
Cũng nhấn mạnh về tính trực quan, giáo viên Lê Thị Tuyết Minh (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, dự thi nghề kỹ thuật nấu ăn) đã dành nhiều thời gian để chuẩn bị các vật mẫu cho cả 3 tiết giảng. Đồng thời, chị áp dụng các phương pháp giảng nhằm gợi mở, phát huy tính tích cực, sáng tạo của SV. Đơn cử như ở tiết lý thuyết “Chức năng dinh dưỡng của vitamin A”, chị yêu cầu SV nghiên cứu và chuẩn bị sơ đồ tư duy trước khi lên lớp. Ở tiết thực hành “Tỉa thiên nga từ củ cải trắng”, chị không vội nêu ra các bước thực hiện mà yêu cầu SV quan sát, tự xây dựng trình tự các bước theo suy nghĩ cá nhân rồi mới phân tích từng lựa chọn của SV để chọn ra quy trình tốt nhất.
“Khác với các nhóm nghề kỹ thuật khác, nghề kỹ thuật nấu ăn đòi hỏi tư duy sáng tạo và tính thẩm mỹ của SV nên trong quá trình thiết kế bài giảng, tôi cố gắng động viên các em quan sát, gắn kết sản phẩm tạo hình đối với cuộc sống bên ngoài. Để các em làm ra một con thiên nga có hồn từ rau củ, ngoài kỹ năng cơ bản, tôi tìm kiếm, tuyển chọn những video sinh động, hấp dẫn về thiên nga, trình chiếu cho các em, tạo sức lôi cuốn, bồi dưỡng sự yêu thích bài tập sẽ làm. Nghề nấu ăn cũng yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm nên trong các tiết giảng dự thi, tôi không dùng phấn để viết bảng mà sử dụng các bảng, thẻ có gắn nam châm để trình bày bảng”, chị Minh cho biết thêm.
Trong hai ngày 10 và 11.9, ba giáo viên đã hoàn tất đóng gói thiết bị, dụng cụ giảng dạy cần thiết cho các bài giảng trước ngày lên đường dự thi (12.9). Hầu hết các bộ thiết bị, dụng cụ phục vụ Hội giảng đều có bộ dự phòng nhằm đề phòng hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Trước đó, Sở LĐ-TB&XH cũng tổ chức đoàn gồm các cán bộ chuyên môn, nhà giáo có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sư phạm, dạy nghề, dự, góp ý các tiết giảng dự thi nhằm hỗ trợ cho các giáo viên. Các cán bộ, nhà giáo này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các giáo viên trong quá trình dự thi tại TP Hà Nội từ ngày 15 - 21.9 tới.
NGUYỄN MUỘI