Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng (giai đoạn 2): Tháo gỡ khó khăn về kinh phí
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 22/2013/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng hiện đang gặp không ít khó khăn vì thiếu kinh phí.
Ngôi nhà được xây dựng từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định số 22 và đóng góp của con cháu là niềm vui tuổi già của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nay (trái).
Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng (sau đây gọi tắt là Quyết định số 22) là một chính sách nhân văn, góp phần ổn định đời sống với người có công khó khăn về nhà ở, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn. Đặc biệt, quyết định này đã mở rộng số nhóm đối tượng được hỗ trợ về nhà ở so với nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở trước đó.
Hoàn tất căn nhà vào đầu năm 2018, kịp đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nay (92 tuổi, ở xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, là vợ liệt sĩ đồng thời là mẹ của 3 liệt sĩ.) rất phấn khởi. Được hỗ trợ từ nguồn vốn của Quyết định số 22 với 40 triệu đồng; các con, cháu đóng góp thêm, căn nhà cấp 4 đã hoàn thành.
Mẹ Nay tâm sự: “Sự hỗ trợ của Nhà nước tạo động lực để con cháu góp thêm, giúp nhà cửa khang trang, có chỗ thờ phụng tổ tiên, chồng và các con tươm tất. Không phải lo mưa gió, thấp thỏm, với bà, vậy là một tâm nguyện đã hoàn thành”.
Bên cạnh khó khăn chung như các địa phương khác trong cả nước: số lượng người có công cần hỗ trợ về nhà ở liên tục tăng do ảnh hưởng của mưa lũ mỗi năm một thêm nặng nề; quá trình phân bổ vốn của Trung ương lại chậm, chia làm nhiều đợt dẫn đến một số vướng mắc... Bình Định lại gặp phải khó khăn rất lớn bởi hơn 1.000 hộ được hưởng chính sách theo Quyết định số 22 bị Bộ LĐ-TB&XH bỏ quên ngoài danh sách khi cập nhật số liệu thống kê.
Cụ thể, năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Đề án bổ sung hỗ trợ về nhà ở cho 4.949 hộ có công với cách mạng với tổng kinh phí là 146,1 tỉ đồng (trong đó, Trung ương hỗ trợ 131,49 tỉ đồng; ngân sách tỉnh là 14,61 tỉ đồng). Tỉnh ta gửi Đề án này lên Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính đề nghị thẩm định và bổ sung kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, khi Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp số liệu gửi Bộ Xây dựng làm cơ sở đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63 về thực hiện giai đoạn 2 của Quyết định số 22 thì có sự nhầm lẫn. Bộ LĐ-TB&XH đã hiểu con số 4.949 hộ được bổ sung giai đoạn 2 là tổng số hộ được hỗ trợ của cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Vì sự nhầm lẫn này, mà ở giai đoạn 2, Bình Định bị thiếu 1.890 hộ. Do đó, Bộ Tài chính chỉ cấp cho tỉnh Bình Định hơn 73,6 tỉ đồng để thực hiện Quyết định số 22 giai đoạn 2. Số tiền còn thiếu tương đương là hơn 57,8 tỉ đồng.
Tại văn bản lần thứ nhất (ngày 29.6.2018) và văn bản lần thứ hai (10.8.2018) gửi Bộ LĐ-TB&XH về thẩm định lại số hộ gia đình người có công được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định số 22 giai đoạn 2 trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng đều nhấn mạnh: Ngân sách tỉnh hiện không thể cân đối, bố trí khoản tiền 57,834 tỉ đồng mà Trung ương đã cấp thiếu để đảm bảo hoàn thành giai đoạn 2 hỗ trợ nhà ở cho người có công. Trong khi đó, các hộ gia đình người có công trong danh sách đã được phê duyệt đang rất bức xúc vì chưa nhận được tiền hỗ trợ để tiến hành xây dựng, sửa chữa. UBND tỉnh kính đề nghị Bộ thẩm định lại và điều chỉnh số liệu thẩm định gửi các cơ quan Trung ương để xem xét cấp bổ sung kinh phí cho tỉnh.
Trong quá trình chờ câu trả lời từ phía Bộ LĐ-TB&XH, Bình Định khẩn trương triển khai phân bổ kinh phí đã được phân bổ từ Trung ương hơn 73,6 tỉ đồng về cấp huyện để hỗ trợ kịp thời cho người có công. Ngày 7.9 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã phân bổ kinh phí đối ứng của tỉnh hơn 8,1 tỉ đồng để thực hiện chính sách theo Quyết định số 22. Tổng kinh phí phân bổ về các huyện, thị, thành hơn 81,8 tỉ đồng.
Nhằm hỗ trợ kịp thời cho các hộ người có công khó khăn về nhà ở trong bối cảnh kinh phí còn thiếu, Sở Xây dựng đã có hướng dẫn các địa phương thực hiện phân bổ kinh phí theo thứ tự ưu tiên. Đối tượng ưu tiên cao nhất là các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ đã tự ứng trước kinh phí để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Kế đến là hộ mà nhà ở có nguy cơ đổ sập, nguy hiểm. Sau đó lần lượt đến hộ gia đình người có công cao tuổi, hộ là người dân tộc thiểu số, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.
Nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 22/2013/QÐ-TTg, gồm: người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng LLVT nhân dân; Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến; thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng.
Giai đoạn 1 (2013-2016), toàn tỉnh có 1.890 hộ được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 57,8 tỉ đồng. Giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2017, tiếp tục nhận được sự đồng thuận của người dân và các ngành, các cấp.
Thông tin từ Sở Xây dựng, từ năm 2017 đến hết quý II năm 2018, số lượng hộ đã hoàn thành xây dựng nhà ở là 1.873 hộ người có công. Tổng số tiền đã bàn giao và tạm ứng một phần cho hộ có công hơn 53,8 tỉ đồng. Còn hơn 500 hộ đang tiến hành xây, sửa lại nhà ở.
NGUYỄN MUỘI