Xây dựng lực lượng Công an xã chính quy: Thực hiện theo lộ trình
Việc sửa đổi Luật Công an nhân dân là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Ðảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ CA tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) có 7 chương, 48 điều, trong đó bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều của Luật Công an nhân dân năm 2014. Tại hội nghị góp ý dự thảo Luật Công an nhân dân do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức mới đây, các đại biểu đã phân tích cụ thể các điều khoản cần thiết trong Luật.
Quang cảnh hội nghị góp ý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
“Chính quy hóa” CA xã
Dự thảo Luật quy định việc xây dựng CA xã, thị trấn chính quy. Ý kiến về vấn đề này, thượng tá Lê Văn Phương, Phó chánh Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra, CA tỉnh, cho rằng: “Trong Luật Tố tụng hình sự có quy định CA xã có quyền tiếp nhận và giải quyết tin báo và tố giác tội phạm. Qua thực tế công tác điều tra cho thấy, tất cả mọi sự việc, vấn đề nảy sinh ở cơ sở thì người tiếp nhận hiện trường đầu tiên là CA xã; khi các lực lượng chức năng xuống địa bàn nắm tình hình cũng thông qua CA xã... Vì vậy, chủ trương đưa CA xã vào lực lượng CA chính quy có cấp hàm, có chuyên môn là hoàn toàn phù hợp với chiến lược lâu dài, theo đúng phương châm bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Thực tế lâu nay, CA xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, nòng cốt trong bảo vệ an ninh địa bàn xã. Hiện CA xã đang được giao nhiều thẩm quyền: Tạm giữ người, tố tụng hình sự như lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai bị hại, nhân chứng, vật chứng, kiểm tra xác minh ban đầu… Dù đánh giá cao đóng góp của lực lượng CA xã thời gian qua, nhưng tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, lực lượng CA xã chưa đủ mạnh về số lượng, chất lượng khi mà tội phạm ngày một tinh vi và thủ đoạn. Đại tá Phạm Văn Sửu, Trưởng Phòng tổ chức cán bộ, CA tỉnh, nêu thực trạng: “Hiện nay, tình hình an ninh nông thôn rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân CA một số xã chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, cần phải có lực lượng CA chính quy tại xã để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã các vấn đề đảm bảo ANTT địa phương. Tôi khẳng định, đưa CA xã về chính quy là phù hợp, song việc triển khai cần có lộ trình, như rà soát nơi nào có điều kiện thì bố trí trước, nơi nào chưa có điều kiện thì CA huyện cử tổ hoặc vài cá nhân đứng chân địa bàn”.
Thận trọng và có lộ trình
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất rằng, việc bố trí lực lượng CA chính quy tại xã nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa nhằm bảo đảm hoạt động giữ gìn ANTT ở cơ sở, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để ổn định bộ máy chính quyền xã, cần có lộ trình thực hiện chính quy CA xã cụ thể, không làm ồ ạt. Ông Lê Kim Chinh, Phó trưởng phòng phụ trách phòng xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp, nói: “Tôi ủng hộ việc chính quy hóa lực lượng CA xã, bởi lẽ vừa tốt cho công tác ANTT, lại có lợi cho địa phương; song, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng lộ trình từng bước chính quy hóa lực lượng CA xã, tránh xáo trộn và ảnh hưởng đến lực lượng CA xã đang hoạt động hiện nay”.
Qua 7 năm thực hiện Pháp lệnh CA xã cho thấy, kết quả mà lực lượng này đạt được rất lớn nhưng cũng đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác, thi hành nhiệm vụ. Đại tá Đặng Hồng Thọ, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho rằng: “Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay cũng như bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật theo chủ trương “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, thì chủ trương đưa CA chính quy về xã là hoàn toàn phù hợp với xu thế mới này. Song để đạt hiệu quả, chúng ta sẽ căn cứ vào tình hình thực tế từng địa phương, cơ sở mà bố trí theo hình thức cuốn chiếu, không ồ ạt, tránh xáo trộn quá lớn”.
KIỀU ANH