Ðể có hộ tịch cho những đứa trẻ “đặc biệt”
Trên thực tế, có những đứa con riêng của người cha hoặc người mẹ được sinh ra trong lúc họ đang ly thân hoặc ly hôn, khiến cho thân phận của những đứa trẻ này trở nên không rõ ràng và quyền lợi của chúng cũng bị ảnh hưởng.
Chị Đinh Thị Thủy (SN 1983, trú tại xóm 1, thôn Thiết Đính Nam, thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn), ly thân với chồng nên bỏ vào TP Hồ Chí Minh làm ăn và có con riêng với một người khác. Đến nay, cháu bé đã được 2 tuổi nhưng vẫn chưa có giấy khai sinh. Vì cháu bé được sinh ra khi 2 vợ chồng chị chưa ly hôn, nên việc làm giấy khai sinh cho cháu bé trở nên rắc rối. Chính vì vậy, đến giờ cháu vẫn chưa có tên, chưa có giấy khai sinh, chưa có hộ khẩu và chưa có bảo hiểm...
Chị Thủy tâm sự: “Vì ở xa quê cuộc sống khó khăn, nên tôi muốn đưa cháu về với ông bà ngoại để được chăm sóc tốt hơn, tránh nơi phức tạp. Nhưng để làm giấy khai sinh cho bé, tôi thấy khó quá”.
Ông Nguyễn Xuân Tú, Chủ tịch UBND thị trấn Bồng Sơn, chia sẻ: “Thời điểm cháu bé sinh ra là lúc chị Thủy với người chồng chưa ly hôn, nên nếu làm giấy khai sinh thì vẫn phải có tên cha của bé - là người chồng đang trong thời kỳ hôn nhân của chị Thủy. Nhưng khi khai sinh cho con, chị Thủy lại muốn đứa bé chỉ có tên mẹ; hoặc cả mẹ và người cha thực sự của bé. Như vậy, nếu khai sinh có tên người cha thực sự của bé thì phải có kết quả xét nghiệm ADN chứng minh chúng tôi mới có thể làm được; còn nếu người mẹ đứng tên khai sinh một mình thì chồng của chị Thủy phải có giấy từ chối quyền làm cha đối với đứa bé này. Theo chị Thủy cho biết, chị đã gửi đơn xin ly hôn nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết vì người chồng vẫn chưa muốn ly hôn, như vậy rất khó khăn”.
Ông Tú còn cho biết, ngoài trường hợp của chị Thủy cũng có một số trường hợp tương tự như vậy. Nhưng hoặc là họ đã ly hôn, hoặc là đã có xét nghiệm ADN, nên sự việc được giải quyết nhanh hơn. “Chúng tôi rất quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi của những đứa bé này. Và cũng mong những người mẹ trong trường hợp như vậy, cần tìm hiểu thêm về các quy định để đảm bảo quyền lợi cho con mình”, ông Tú nói.
Tại các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực thuộc Bộ Tư pháp đã hướng dẫn rõ ràng đối với các trường hợp nói trên. Luật Hôn nhân gia đình cũng đã quy định con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng; trường hợp nếu người cha không thừa nhận con hoặc người mẹ khẳng định không phải là con của chồng thì phải có chứng cứ hoặc phải được tòa xác định theo quy định pháp luật.
KIM CHI