Tổ chức, cơ chế hoạt động KH&CN: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức, cơ chế hoạt động KH&CN; đầu tư tiềm lực và phát triển thị trường KH&CN... là những giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 20.10.2016 của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Chương trình hành động 07).
Sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình hành động 07 của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình cho thấy, nhiều kết quả được ghi nhận. Đáng chú ý là mục tiêu tỉ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) bình quân vào tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 28,13% (mục tiêu giai đoạn đề ra 25-30%); tốc độ đổi mới công nghệ 15,6%/năm (mục tiêu 12-15%/năm); 2 DN được chứng nhận DN KH&CN (mục tiêu 3-5 DN KH&CN); quy hoạch các đề án khu nông nghiệp ứng dụng cao và khu Đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa… 42 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đã được triển khai thực hiện, tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực chính là khoa học kỹ thuật công nghệ, khoa học y dược và khoa học nông nghiệp.
Nghiên cứu khoa học xuất phát từ nhu cầu thực tế, gắn với “địa chỉ” nhận sử dụng kết quả.
- Trong ảnh: Nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất kinh doanh tại Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định.
“Điểm nghẽn” phát triển KH&CN
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Chương trình hành động 07 cũng đánh giá, việc triển khai thực hiện các mục tiêu, hoạt động của chương trình còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường, việc xác định các nội dung trọng tâm được đưa ra trong chương trình hành động tại nhiều địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động KH&CN chưa thực sự thu hút sự tham gia của khối DN.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long thẳng thắn chỉ ra hai mục tiêu quan trọng đến nay vẫn chưa như kỳ vọng. Đó là công tác đổi mới tổ chức, cơ chế về hoạt động KH&CN là điểm yếu, trong khi đó phát triển thị trường KH&CN đang là “bài toán” khó của Bình Định. “Quản lý khoa học vẫn mang tính “cấp phát”, gây nhiều khó khăn cho nhà khoa học và các cơ sở KH&CN”, ông Long nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Chủ tịch liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh cho rằng, hoạt động phát triển thị trường KH&CN yếu do chưa quan tâm đúng mức hoạt động sở hữu trí tuệ, kết nối cung - cầu công nghệ, đưa kết quả nghiên cứu khoa học có tiềm năng phục vụ cho cộng đồng. Việc tạo ra cơ chế chuyển giao kết quả nghiên cứu để đưa ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh và đời sống còn lúng túng và chưa có cơ chế rõ ràng. Giai đoạn 2015-2018, trong tổng chi cho KH&CN hơn 117 tỉ đồng thì chi đầu tư tiềm lực cho các tổ chức KH&CN công lập hơn 13 tỉ đồng, chiếm 11,08% tổng chi cho đầu tư và phát triển KH&CN. “Tuy nhiên, trong đầu tư tiềm lực KH&CN này chúng ta vẫn còn rất lãng phí. Tôi dự các hội thảo khoa học quốc tế do Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức, rất nhiều kết quả nghiên cứu đã kiểm chứng rõ ràng, nhưng không thấy chuyển giao, ứng dụng”, bà Bình dẫn chứng.
Tập trung nguồn lực để tăng cường tiềm lực
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình hành động 07 - khẳng định, để thực hiện đạt mục tiêu, hiệu quả Chương trình hành động 07 phải bắt đầu từ chuyển biến nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò của KH&CN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, xác định phát triển KH&CN là một nhiệm vụ trọng tâm, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH… Còn đến nay, 4/11 địa phương chưa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình, trong đó có TP Quy nhơn là không chấp nhận được.
Với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể từ nay đến năm 2020, yêu cầu quan trọng nhất là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế hoạt động, tăng cường đầu tư tiềm lực cho KH&CN. “Triển khai công tác quản lý KH&CN theo cơ chế “đặt hàng”, tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ KH&CN, thực hiện công tác nghiên cứu KH&CN gắn với “địa chỉ” nhận sử dụng kết quả. Các nghiên cứu khoa học cũng phải mang tính thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu thực tế, nghiên cứu cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm KH&CN cuối cùng theo kết quả đầu ra”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phát huy và tăng cường tiềm lực KH&CN với các chính sách đào tạo cán bộ khoa học, thu hút nhân lực trình độ cao. Đối với mức chi cho KH&CN từ ngân sách địa phương hằng năm phải đạt bình quân 2%. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cầu nối, mối quan hệ liên kết giữa nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa các cơ sở nghiên cứu, trường đại học với các DN trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hợp tác trong nước và hội nhập quốc tế về KH&CN; tích cực thu hút các DN có tiềm lực KH&CN để phát triển thị trường và tăng cường tiềm lực KH&CN của tỉnh.
Đến nay, tỉnh ta đã xây dựng các quy hoạch đề án khu nông nghiệp công nghệ ứng dụng công nghệ cao tại Phù Mỹ, An Nhơn, Phù Cát. Riêng với quy hoạch khu Đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa (TP Quy Nhơn), Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình hành động 07 cho rằng, Chính phủ cho cơ chế riêng và đặc thù cho khu đô thị “hạt nhân” phát triển KH&CN này là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực KH&CN về Bình Định.
Ngày 31.8.2018, Chính phủ đã có ý kiến giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp các Bộ KH&ÐT, Tài chính, GD&ÐT và các cơ quan có liên quan xem xét, xử lý các kiến nghị của Bình Ðịnh liên quan đến việc đề nghị hỗ trợ thực hiện dự án khu Ðô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho biết, Bộ KH&CN cũng đã họp với UBND tỉnh và thống nhất giao cho các viện khoa học của Bộ phối hợp tỉnh Bình Ðịnh xây dựng đề án, trên cơ sở đó tỉnh sẽ trình xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy.
MAI HOÀNG