Sáng tạo của học sinh Lê Văn Châu: Dụng cụ báo độ mặn từ quả bóng nhựa
Từ những vật liệu đơn giản, rẻ tiền, Lê Văn Châu - học sinh Trường THCS Cát Khánh (huyện Phù Cát) đã sáng tạo ra dụng cụ báo độ mặn trong nước có hiệu quả cao, có thể thay thế các loại máy đo độ mặn đắt tiền. Sản phẩm đã đoạt giải nhì Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Ðịnh lần thứ V, năm 2018.
Châu thử nghiệm dụng cụ báo độ mặn tại ao nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình.
Ngoài những buổi đến trường, Châu còn phải phụ giúp ba mẹ làm việc nhà và chăm sóc ao, đầm nuôi trồng thủy sản. Cũng chính điều này đã giúp cậu học trò nhỏ nảy sinh những sáng tạo, tiếp cận với tài liệu khoa học và những kiến thức học được một cách hiệu quả.
Với đặc thù là một xã bãi ngang, xâm nhập mặn gây thiệt hại nuôi trồng thủy sản. Muốn canh tác hiệu quả thì việc nhận biết được độ mặn trong môi trường nước hết sức cần thiết. “Những lần tắm sông, ao hồ, em nhận thấy độ chìm nổi của cơ thể mình trên nước khác nhau khi độ mặn của nước khác nhau. Từ đó, em nảy ý tưởng làm ra dụng cụ báo độ mặn”, Châu chia sẻ.
Dụng cụ được cấu tạo rất đơn giản, gồm 2 quả bóng nhựa và một chiếc lồng có gắn chân cố định được làm bằng kim loại, gỗ hoặc tre. Bơm nước muối có nồng độ mặn khác nhau vào các quả bóng, bỏ các quả bóng vào lồng và đặt 2/3 lồng chìm vào nước ao ở các ngưỡng nhiệt độ khác nhau, quan sát và thu nhận kết quả sự chìm nổi của các quả bóng.
Với giá 2.500 đồng/quả bóng, lồng và chân cố định có thể tận dụng vật liệu sẵn có trong nhà để làm, lượng muối ăn để pha chế không đáng kể có thể tạo nên dụng cụ báo độ mặn đơn giản, hữu dụng. Nếu quả bóng nổi chứng tỏ độ mặn môi trường cao hơn độ mặn trong quả bóng và ngược lại. Từ kết quả đó, người dân có thể xác định độ mặn trong môi trường ao, đầm ở những thời điểm khác nhau, tùy vào khả năng chịu mặn của từng giống cây trồng, thủy sản mà có biện pháp xử lý kịp thời. Nói đơn giản vậy, nhưng quá trình tìm hiểu, khảo sát thực tế và bắt tay vào thực hiện của Châu khá kỳ công. Châu đã thực hiện thành công 3 thí nghiệm với 3 phương pháp khác nhau, cuối cùng quyết định áp dụng phương pháp dựa vào lực đẩy Acsimet để nhận biết độ mặn của nước ao.
Giải pháp dùng quả bóng nhựa để nhận biết độ mặn trong môi trường ao nuôi tôm của Châu đã giải quyết khó khăn cho những hộ gia đình không đủ tiền mua những thiết bị báo độ mặn khác đắt tiền hiện bán trên thị trường. “Châu rất chịu khó tìm tòi, học hỏi và kiên trì thực hiện ý tưởng. Phương pháp nhận biết độ mặn này có ưu điểm dễ làm, giá thành thấp, không gây ô nhiễm môi trường và phù hợp với nông dân”, cô Lê Thị Ngọc Tuyền - giáo viên Hóa học, Trường THCS Cát Khánh nhận xét.
HOÀNG ANH
VTV1 phát sóng cách đây khoảng hơn một năm về đề tài tương tự ở Nam Bộ.