Tràn Dương Thiện đang chờ... kinh phí
Ngày 22.8.2018, báo Bình Ðịnh có bài viết phản ánh tràn Dương Thiện, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước xuống cấp trầm trọng không phát huy ngăn mặn, thoát lũ, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Sau khi báo đăng, Chi cục Thủy lợi đã có văn bản gởi đến Báo, thông tin thêm một số nội dung, như sau:
Hệ thống đê Đông có nhiệm vụ ngăn mặn, tiêu úng, thoát lũ, phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ dân cư sinh sống ở ven đê, là tuyến giao thông nông thôn ven đê, trong đó có tràn Dương Thiện dài 355m, được xây dựng và hoàn thành năm 1989, với quy mô 152 khoang tràn và 152 cánh cửa. Mùa mưa, cánh cửa tràn được hạ xuống để tháo lũ và tiêu úng; mùa khô đóng lại để ngăn triều cường. Qua thời gian vận hành, sử dụng, tràn Dương Thiện đã xuống cấp. Đến năm 2005, phía đầu Bắc tràn đã bị lún khoảng 0,4m. Chi cục Thủy lợi xử lý tạm khoảng 50 khoang tràn bằng cách xây kín để ngăn mặn.
Hiện nay, có 102 cửa tràn hoạt động bình thường, đóng mở ổn định, không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Phía thượng lưu tràn có bố trí vùng đệm với diện tích gần 6 ha, địa phương cho nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, bên trong vùng đệm còn có hệ thống đê nội đồng để ngăn mặn.
Để hạn chế mực nước ngập mặt tràn gây khó khăn cho giao thông, Chi cục Thủy lợi đã đề nghị địa phương làm việc với các chủ hồ giữ nước trong hồ không được cao hơn mặt tràn và có biện pháp hạn chế phương tiện có tải trọng nặng qua tràn. Chi cục Thủy lợi đang triển khai cắm biển báo hạn chế trọng tải qua tràn; xử lý các vị trí rò rỉ, trát lại tường xây đầu Bắc tràn, đảm bảo ngăn triều cường.
Năm 2012, Sở NN&PTNT đã đề xuất hạng mục công trình sửa chữa tràn Dương Thiện vào dự án nâng cấp hệ thống đê và trồng rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đầm Thị Nại tỉnh Bình Định bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương thông qua chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, kinh phí sửa chữa tràn Dương Thiện khá lớn nên chưa được chấp thuận.
Việc sửa chữa tràn Dương Thiện để phục vụ sản xuất và giao thông nông thôn của nhân dân trong khu vực là cần thiết. Do đó, Chi cục Thủy lợi đã tiếp tục lập dự án và xác định kinh phí đầu tư; báo cáo Sở NN&PTNT xem xét để xin ngân sách Trung ương hỗ trợ.
B.B.Đ