“Rêu phong” là gì?
Một số người cho rằng, cũng như gà qué, tre pheo, chợ búa, “rêu phong” là từ mang nghĩa khái quát về các loài rêu, trong đó “phong” có thể trước đây mang nghĩa liên quan đến rêu nhưng hiện nay, nét nghĩa này đã mờ hoặc mất nghĩa. Có phải như vậy không?
Thắc mắc về điều này, chúng tôi tra lại Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên [Trung tâm từ điển ngôn ngữ xuất bản, Hà Nội, 1992] và một số từ điển tiếng Việt khác thì không thấy mục từ nào là “rêu phong” cả. Do đó, có thể suy đoán, “rêu phong” không phải là từ mà là một cụm từ.
Hiện nay, cụm từ “rêu phong” này được dùng khá phổ biến (nhạc sĩ Tuấn Khanh có một ca khúc nhan đề là “Rêu phong”) với nét nghĩa “cổ kính, xưa cũ”. Từ đâu mà có hiện tượng này?
Vấn đề nằm ở hình vị “phong”. “Phong” trong “rêu phong” là một hình vị gốc Hán, tự dạng gồm chữ khuê bên trái, bộ thốn bên phải, nghĩa là “bao lại, gói lại, đóng lại, đậy lại, che lại” (như trong niêm phong, phong tỏa, phong thư, phong bì) và “ban cho, phong tặng” (như trong sắc phong, phong hầu, truy phong, tước phong). Như vậy, “rêu phong” chính là “rêu bao phủ”. Trong Truyện Kiều, ở câu 2749-2750, miêu tả cảnh “vườn Thúy” hoang tàn khi Kim Trọng trở lại, Nguyễn Du dùng cụm từ này: “Xập xè én liệng lầu không / Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày”.
Từ nghĩa “rêu bao phủ” (do thời gian lâu và vắng bóng người), cùng với ấn tượng thị giác về các đối tượng bị rêu phủ (nhất là các công trình xây dựng), “rêu phong” dần được dùng với nét nghĩa “xưa cũ, cổ kính”. Ngoài ra, “rêu phong” không hề mang nét nghĩa khái quát về rêu như nhiều người nhầm lẫn.
Trong tiếng Hán có nhiều chữ “phong”. Ngoài “phong” nghĩa “bao lại, ban cho” đã nói trên, có thể kể thêm một số chữ khác như: Phong (chữ cũng là bộ) nghĩa “gió” [như trong phong ba, phong cầm, phong điện], “thói quen” [như trong phong tục, phong cách]; Phong (bộ đậu) nghĩa “tươi tốt, đầy đặn, sung túc” [như trong phong phú]; Phong (bộ kim) nghĩa “mũi nhọn” [như trong tiên phong, xung phong]; Phong (bộ sơn) nghĩa “đỉnh núi” [như trong cô phong, quần phong]; Phong (bộ trùng) nghĩa “con ong” [như trong độc phong]…
Ở Bình Định ta cũng có một số địa danh mang yếu tố “phong”. Chẳng hạn: thị trấn Phú Phong, chùa Linh Phong… Ở địa danh Phú Phong, chữ “phong” thuộc bộ đậu, “phú phong” tạm hiểu là “giàu có và thịnh vượng”. Ở địa danh Linh Phong, chữ “phong” thuộc bộ sơn, “linh phong” có thể hiểu là “đỉnh núi thiêng”.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ