Kỷ niệm 45 năm lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị:
Biểu tượng của tình đoàn kết
Ngay từ những ngày đầu tháng 9, cả Cuba và Việt Nam đã có nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị (14, 15.9.1973 - 14, 15.9.2018). Chuyến thăm lịch sử trở thành biểu tượng của tình đoàn kết anh em thủy chung, gắn bó cùng lý tưởng cao đẹp chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị năm 1973. Ảnh: TTXVN
Tài sản vô giá
Ngày 3.9 (giờ Cuba), trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô La Habana, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc (ICAP), Ủy ban Bảo vệ cách mạng (CDR) đã tổ chức hoạt động đầu tiên hướng tới kỷ niệm 45 năm chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro tới Việt Nam tháng 9-1973.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch ICAP José Prieto Cintado đã ôn lại chuyến thăm đầu tiên của lãnh tụ Fidel Castro tới đất nước quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông trở thành nguyên thủ nước ngoài duy nhất vượt qua vĩ tuyến 17 để thăm vùng giải phóng Quảng Trị ngay thời điểm chiến tranh còn khốc liệt.
Ông J.Cintado khẳng định, những hành động, những tuyên bố bất hủ của lãnh tụ Fidel về tình đoàn kết với Việt Nam là tài sản vô giá trong lịch sử quan hệ 2 nước, là biểu hiện sinh động về bản lĩnh, ý chí và nhiệt huyết cách mạng của Fidel, đồng thời giữ nguyên giá trị nêu gương cho các thế hệ thanh niên Cuba hiện tại.
Theo TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch Fidel là hình ảnh luôn được người dân Việt Nam lưu giữ trong tâm trí, như một trong những kỷ niệm trong sáng và hào hùng nhất, là biểu hiện trực quan, sinh động nhất về tình hữu nghị thủy chung son sắt giữa 2 dân tộc.
Nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba triển lãm bộ ảnh lịch sử lãnh tụ Fidel thăm Quảng Trị, quan hệ 2 nước và hình ảnh Việt Nam đổi mới. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ cách mạng Fidel Castro tới Việt Nam diễn ra trên hầu hết tỉnh, thành phố của Cuba và buổi lễ chính được tổ chức vào ngày 12.9.
Hãng thông tấn Prensa Latina ngày 12.9 đưa tin về việc tỉnh Quảng Trị khai trương quảng trường và công viên được đặt tên Fidel Castro ở TP Đông Hà, trung tâm tỉnh Quảng Trị. Đây được xem là một trong những hoạt động chính tại Việt Nam kỷ niệm chuyến thăm của nhà lãnh đạo chính trị Cuba 45 năm trước.
Prensa Latina viết: “Một bức tượng bán thân bằng đồng của Fidel Castro - người đóng góp nhiệt thành và ngưỡng mộ cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước của Việt Nam cũng được khánh thành trong dịp này”.
Lễ kỷ niệm chính thức diễn ra tại Quảng Trị với sự tham dự của Phó Chủ tịch thứ nhất Cuba Salvador Valdes. Prensa Latina nhắc lại: Khi Fidel Castro thăm Việt Nam từ ngày 12 đến 17.9.1973, ông đã tới thăm vùng giải phóng Quảng Trị bất chấp khu vực này vẫn đang bị các máy bay ném bom của Mỹ đe dọa. Ông cũng đến thăm tỉnh Quảng Bình, nơi có một bệnh viện được Cuba giúp xây dựng và trang bị vài năm sau đó - đây là một trong những biểu tượng của mối quan hệ Cuba - Việt Nam.
Chương trình kỷ niệm chính thức được tổ chức vào ngày 14 và 15.9 tại Quảng Trị, do UBND tỉnh Quảng Trị và Bộ Ngoại giao, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba và Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Bên cạnh đó, nhân lễ kỷ niệm sẽ có buổi trưng bày hình ảnh về lãnh tụ Fidel Castro và chuyến thăm Quảng Trị; tổ chức thăm một số địa điểm ở Quảng Trị mà lãnh tụ Fidel Castro đã từng đến...
Cụ thể, tổ chức triển lãm tranh ảnh về lãnh tụ Fidel Castro; tổ chức thăm một số địa điểm lãnh tụ Fidel Castro đã từng đến Quảng Trị năm 1973 như: Cao điểm 241 - nơi lãnh tụ Fidel Castro đến thăm và phất cờ của Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam, trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; giao lưu, gặp gỡ nhân chứng đã được gặp lãnh tụ Fidel Castro.
Hình ảnh khó quên
Prensa Latina đưa tin, Văn phòng Các vấn đề lịch sử (OAH) thuộc Hội đồng Nhà nước Cuba đã tổ chức tọa đàm vào ngày 12.9 ôn lại chuyến thăm của Fidel Castro tới miền Nam Việt Nam năm 1973, đưa ông trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên đến thăm khu vực giải phóng.
Trong một cuộc tọa đàm, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm lần thứ 45 của sự kiện, Giám đốc OAH, ông Eugenio Suarez, nhớ lại rằng, mối quan hệ giữa 2 nước từ ngày đó trở thành kiểu mẫu về sự ủng hộ và lòng trung thành.
Theo ông Suarez, biểu hiện của những điều trên chứa đựng trong câu nói của lãnh tụ Fidel trong chuyến thăm: Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình. Theo tiến sĩ khoa học lịch sử Suarez, nhân dịp đó, lãnh tụ Fidel Castro đảm bảo với Việt Nam rằng, Cuba mặc dù là một quốc gia nhỏ và nghèo, nhưng sẽ tham gia vào việc tái thiết Việt Nam.
Theo kiến trúc sư Joel Díaz, tác giả của di tích ở La Habana tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào hữu nghị giữa Cuba và Việt Nam luôn luôn rất tích cực trên bình diện 2 quốc gia và cả tình đoàn kết quốc tế. Về phần mình, nhà báo Marta Rojas, phóng viên đầu tiên của Cuba và Mỹ Latinh ở Nam Việt Nam kể những câu chuyện về công việc của bà trong chiến tranh cũng như ấn tượng của bà về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà bà đã vinh dự được phỏng vấn. Theo bà Rojas, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, ông rất biết ơn về tình đoàn kết của Cuba trong cuộc chiến chống Mỹ của cả Cuba và Việt Nam, xem điều đó như một nguồn động viên cho cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam.
Trong dịp này, báo chí Cuba cũng thông tin đậm nét về các hoạt động tại Việt Nam kỷ niệm 45 năm chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Fidel Castro tới vùng giải phóng Quảng Trị. Theo ông Nguyễn Đình Bin, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, người từng có nhiều năm làm việc bên cạnh lãnh tụ Fidel Castro, trong chuyến thăm lịch sử đầu tiên tới Việt Nam tháng 9-1973, Fidel đã 5 lần phát biểu rất dài, trực tiếp bày tỏ tình cảm yêu mến, quý trọng nồng hậu nhất, sự ủng hộ hoàn toàn, triệt để, mạnh mẽ nhất đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta. Cũng như hết lời ca ngợi ý nghĩa quốc tế to lớn của tấm gương, bài học Việt Nam mà ông đã luôn luôn bày tỏ trước đó mỗi khi có cơ hội. Fidel cũng bày tỏ những cảm xúc, những ấn tượng vô cùng sâu sắc khi được gặp gỡ các chiến sĩ và đồng bào ta, khi được trực tiếp chứng kiến những hậu quả chiến tranh khủng khiếp do Mỹ đã gây ra cũng như khi thăm những chiến địa nơi quân và dân ta đã lập nên những chiến công hiển hách.
Trong chuyến thăm lịch sử ấy, Fidel đã nhất quyết yêu cầu được đi thăm “thủ phủ” của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ (Quảng Trị), mặc dù lãnh đạo ta tỏ ý ngần ngại vì lý do an toàn. Chuyến thăm lịch sử bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm này của lãnh tụ Cuba, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, mãi mãi trở thành biểu tượng của tình đoàn kết anh em thủy chung, gắn bó cùng lý tưởng cao đẹp chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Theo SGGP