Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Học sinh Việt Nam không nên chỉ biết vâng lời
Sáng 13.9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trẻ em Việt Nam thay vì học thụ động, chỉ biết vâng lời, thì phải nghĩ khác đi, phải đổi mới.
Theo nghiên cứu của WEF, 65% trẻ em tiểu học ngày nay trong tương lai sẽ làm những công việc hiện nay chưa có. Chia sẻ từ góc độ chính phủ Việt Nam về những thách thức, cơ hội về việc làm trong tương lai trong phiên “Tương lai việc làm ASEAN” cùng với các diễn giả từ Malaysia, Singapore, UNDP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tại Việt Nam, người dân nói chung, đặc biệt là giới trẻ rất lạc quan về cuộc cách mạng 4.0 dù nhận thức được nó đi kèm với những thách thức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là diễn giả trong phiên "Tương lai việc làm ASEAN". Ảnh chụp màn hình.
“Tôi cho rằng, ở phía các nhà hoạch định chính sách không chỉ có lạc quan mà còn phải nghĩ nhiều hơn đến thách thức” – ông Đam nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lý giải, cuộc cách mạng 4.0 mang nhiều nghề mới nhưng sẽ có rất nhiều nghề bị thay thế, đặc biệt có những nghề ở Việt Nam đang có tỉ trọng rất lớn như dệt may, da giày, xây dựng hay những công việc cho phụ nữ trong các nhà máy điện tử…
Việt Nam cũng lo ngại và có những yêu cầu đào tạo sao cho mọi người chuyển sang nghề mới hoặc ở nghề cũ nhưng có trình độ cao hơn để đáp ứng kĩ thuật mới.
Việt Nam còn 38% lao động làm trong nông nghiệp. Do đó, trước cách mạng 4.0, Việt Nam không chỉ giải quyết nhu cầu việc làm mới, việc làm thay thế cho những người làm trong khu vực công nghiệp, dịch vụ mà còn phải chuyển đổi cho những người trong khu vực nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ…
Theo Phó Thủ tướng, điều cần làm là làm sao để cho những người làm trong nông nghiệp, kể cả trong công nghiệp, dịch vụ học các kỹ năng không chỉ cho nghề mới mà bản thân phải tạo ra việc làm; sao cho họ không chỉ phụ thuộc vào việc làm từ các công ty tạo ra mà bản thân họ cũng phải tự tạo ra việc làm.
Phó Thủ tướng dẫn chứng cụ thể với 38% số nông dân hiện nay, trong tương lai vẫn canh tác nhưng cần sử dụng công nghệ mới để tiếp cận khách hàng, không chỉ ở Việt Nam, ASEAN mà cả thế giới.
“Khi đối phó với những thách thức mới của lao động phải đẩy mạnh học tập suốt đời, học tập cho người lớn, cả những người từ 60-65 tuổi trở lên. Cuộc cách mạng này phải đem lại cơ hội cho tất cả, chú ý hơn tới giúp những người cao tuổi nắm bắt cuộc cách mạng này” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Với người trẻ, Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh đổi mới giáo dục Việt Nam. “Dù giáo dục phổ thông ở Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là là có nhiều điểm tốt nhưng chúng tôi thấy cũng cần phải đổi mới.
Một trong những điểm rất quan trọng là làm cho các em ngay từ thủa bé ý thức được thế giới tương lai rất khó đoán định trước. Các trẻ nhỏ ở Việt Nam thay vì học thụ động, thay vì được dạy biết vâng lời phải nghĩ khác đi. Phải đổi mới mạnh mẽ cách học từ bé xíu cho tới người già” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, may mắn là ngày nay có công nghệ thông tin để giúp việc học trở nên tốt hơn. Việt Nam cũng có những dữ liệu, có các dự án được khởi động để tạo ra kho tri thức, để giúp mọi người, đặc biệt là người già có thể học qua smartphone, qua truyền hình, học để nâng cao kiến thức, thích ứng các yêu cầu mới.
Theo H.LIÊN (LĐO)