Chặn mối nguy sốt rét kháng thuốc
Sốt rét kháng thuốc (SRKT) là mối nguy với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bình Ðịnh chưa xảy ra tình trạng SRKT, nhưng việc được tiếp nhận và triển khai Dự án ngăn chặn SRKT là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta chặn đứng nguy cơ này.
SRKT là sốt rét mà ký sinh trùng có khả năng tồn tại hoặc nhân lên ngay trong điều kiện đang dùng thuốc điều trị với liều tương đương hoặc vượt qua cả liều khuyến cáo. Điều này có nghĩa là các thuốc đang dùng điều trị bệnh không còn, hoặc ít nhất bị giảm hiệu lực điều trị bệnh, ký sinh trùng không bị tác động bởi thuốc hoặc một số nguyên nhân nội tại khác.
Nguy cơ lan rộng
Theo Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng Quy Nhơn Huỳnh Hồng Quang, khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia chính là nơi đầu tiên phát hiện SRKT Artemisinine (năm 2009). Sau đó, SRKT lan sang Myanmar, Việt Nam và có nguy cơ “tấn công” sang châu Phi và các nước khác, đặc biệt là Ấn Độ, Bangladesh…
Tại Việt Nam, đến thời điểm này, tình trạng giảm nhạy và kháng thuốc Artemisinine đã được phát hiện ở 4 điểm theo dõi liên tục của các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai và Quảng Nam; được xác định và ghi nhận bởi chương trình sốt rét toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới. Từ năm 2011, Việt Nam đã có kế hoạch ngăn chặn sốt rét kháng thuốc Artemisinine tại các tỉnh, đặc biệt là Bình Phước và Đắk Nông. Các hoạt động chính là cấp màn, phòng chống véc-tơ; phát hiện, điều trị và triệt căn bệnh; truyền thông giáo dục sức khỏe; cấp thuốc tự điều trị, giám sát và ngăn chặn tình trạng mua bán, lưu thông và sử dụng Artemisinine đơn trị liệu dạng uống nhằm loại trừ thuốc này ra khỏi thị trường. Đồng thời, khuyến cáo các cơ sở điều trị dùng thuốc phối hợp dạng ACTs đối với sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum để ngăn chặn sự hình thành và phát triển của SRKT.
“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta chưa ghi nhận tình trạng tự ý mua bán, sử dụng các thuốc đường uống dạng đơn chất chứa hoạt chất Artemisinine hoặc dẫn xuất của Artemisinine. Thuốc phòng, chống sốt rét được miễn phí, nên người dân liên hệ cơ sở y tế để được cấp, phát”.
Bác sĩ HOÀNG XUÂN THUẬN - Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét - các bệnh nội tiết tỉnh
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét - các bệnh nội tiết tỉnh Hoàng Xuân Thuận khẳng định, Bình Định chưa xảy ra SRKT nhưng nguy cơ bị lây lan là không hề nhỏ. 9 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh có 303 ca sốt rét, giảm 9,82% so với cùng kỳ; song sốt rét ngoại lai vẫn chiếm tỉ lệ lớn (trên 60% số ca).
“Bình Định là tỉnh giáp ranh với Gia Lai, khá nhiều lao động ở tỉnh ta làm việc tại địa phương này, chủ yếu ở các trang trại, rẫy cà phê… Đây là điều kiện thuận lợi để “phát tán” ký sinh trùng SRKT trong cộng đồng”, thạc sĩ Huỳnh Hồng Quang phân tích.
Nỗ lực ngăn chặn
Để tránh tình trạng kháng thuốc của ký sinh trùng sốt rét, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã thông báo ngừng sử dụng trên toàn quốc và rút số đăng ký của tất cả các thuốc đường uống dạng đơn chất chứa hoạt chất Artemisinine hoặc dẫn xuất của Artemisinine khỏi danh mục thuốc được cấp số đăng ký lưu hành. Thạc sĩ Huỳnh Hồng Quang cho rằng, SRKT Artemisinine nếu xảy ra trên diện rộng là một “thảm họa” bởi các thuốc khác đang trong giai đoạn nghiên cứu. Vì thế, đây là quyết định quan trọng, giúp ngăn chặn sự lan truyền của SRKT.
Dự án ngăn chặn SRKT do Quỹ Toàn cầu tài trợ được thực hiện tại Việt Nam từ tháng 1.2014 đến tháng 12.2016, với kinh phí 13,5 triệu USD. Mục tiêu chung của Dự án là khống chế và ngăn chặn ký sinh trùng sốt rét kháng Artemisinine ở một số địa phương, không để lan rộng. Dự án được triển khai tại 14 tỉnh, trong đó có 4 tỉnh vùng 1 (có các bằng chứng về điều trị sốt rét thất bại sớm hoặc muộn, gồm: Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai, Quảng Nam) và 10 tỉnh vùng 2 (tiếp giáp với các tỉnh vùng 1, gồm: Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh).
“Sự can thiệp từ Dự án ngăn chặn SRKT sẽ làm giảm nguy cơ lan truyền của SRKT; giúp chúng ta kiểm soát và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân mắc sốt rét là dân di biến động qua vùng có SRKT”, thạc sĩ Quang cho hay.
Trong khuôn khổ của Dự án ngăn chặn SRKT, có nhiều hoạt động được triển khai, như mua và cấp võng, màn tẩm hóa chất có tác dụng dài cho dân đi rừng ngủ rẫy; hỗ trợ y tế thôn bản thực hiện tuyên truyền phòng, chống sốt rét và phát hiện sớm ca bệnh; tổ chức giám sát dịch tễ, lấy máu điều tra sàng lọc phát hiện ca bệnh tại những nơi nghi ngờ có lan truyền dịch. Đồng thời, triển khai các nghiên cứu ứng dụng để bảo đảm hiệu quả của kế hoạch ngăn chặn SRKT như nghiên cứu về hành vi phòng chống sốt rét và SRKT của nhóm di dân biến động, phác đồ điều trị mới phù hợp với tình hình SRKT hiện nay…
“Việc tiếp nhận Dự án này là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta “xốc lại” và làm tốt hơn công tác phòng, chống sốt rét ở cộng đồng. Điều này thật sự có ý nghĩa khi SRKT có nguy cơ lan rộng ở Việt Nam và trên thế giới”, bác sĩ Hoàng Xuân Thuận chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG