Việt Nam sẽ ngừng sử dụng amiang chậm nhất vào năm 2023
Sáng 13.9, Hội nghị thường niên của Mạng lưới dừng sử dụng amiang Đông Nam Á (SEABAN) đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ Việt Nam và 10 nước trong khu vực Thái Bình Dương. Hội nghị là sự kiện quan trọng nhằm tuyên truyền về việc dừng sử dụng amiang tại các nước khu vực Đông Nam Á, cách phòng chống các bệnh do amiang gây nên và cập nhật tình hình dừng sử dụng amiang của các nước và tại Việt Nam.
Ông Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đỗ Loan
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tuyên bố amiang là chất gây ung thư, nhất là ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiang trong suốt thập kỷ qua. Năm 2004, WHO ước tính có trên 100.000 người chết mỗi năm do tiếp xúc với amiang.
Gần đây, nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu ước tính số lượng người chết do amiang tăng lên trên 220.000 người mỗi năm. Nghiên cứu này cũng chỉ ra tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 2.000 người chết do amiang trắng. Hiện nay, trên thế giới đã có 64 quốc gia cấm việc sử dụng amiang trắng. Tại Việt Nam, amiang vẫn đươc sử dụng nhiều trong các sản phẩm công nghiệp, nhất là sản phẩm tấm lợp Fibroximang. Hơn 95% tấm lợp có chứa amiang được sử dụng ở vùng dân tộc, miền núi, tạo môi trường độc hại cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị và cho rằng đây là sự kiện quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhất là trong bối cảnh hiện nay tại các vùng dân tộc miền núi tình trạng sử dụng tấm lợp có chứa amiang diễn ra phổ biến, trong khi đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhiều thông tin, kiến thức về tác hại của amiang đối với sức khỏe con người.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thời gian qua Ủy ban Dân tộc đã có kế hoạch tuyên truyền, vận động để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ những tác hại của việc sử dụng amiang và xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án dừng sử dụng amiang chậm nhất là năm 2023. Đây là vấn đề quan trọng, cần thiết cần được trao đổi thảo luận, đưa ra những kiến nghị, sáng kiến để bảo vệ sức khỏe của con người.
Để thay thế amiang, hiện nay Việt Nam đã làm chủ được công nghệ và vật liệu thay thế amiang trắng trong sản xuất (tấm lợp không amiang được cấu thành bởi vật liệu như xi măng, sợi PVA, bột giấy…). Các vật liệu thay thế này đã được các tổ chức như WHO, ILO, các tổ chức quốc tế khác về môi trường, và sức khỏe, bệnh nghề nghiệp… công nhận là an toàn đối với sức khỏe con người.
Các Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước do Viện Công nghệ - Bộ Công Thương chủ trì đã được triển khai và ứng dụng thành công. Quy trình công nghệ sản xuất tấm lợp không amiang với dây chuyền do Việt Nam thiết kế, chế tạo đã được đưa vào sản xuất tại Công ty Cổ phần Tân Thuận Cường, tỉnh Hải Dương và sản xuất với quy mô công nghiệp tại Công ty Cổ phần Nam Việt. Các sản phẩm này đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Ai Cập, Ấn Độ, một số nước châu Phi. Giá thành của tấm lợp không amiang chỉ cao hơn 15-20% so với tấm lợp Fibroximang.
Toàn cảnh Hội nghị thường niên Mạng lưới dừng sử dụng amiang 2018. Ảnh: Đỗ Loan
Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến tham luận tâm huyết của các đại biểu bàn về cơ hội và thách thức của việc dừng sử dụng amiang tại Việt Nam; các bằng chứng khoa học về tác hại của amiang; vật liệu thay thế cho amiang; kinh nghiệm xử lý và thay thế vật liệu amiang tại Australia; kinh nghiệm cấm sử dụng amiang tại Nhật Bản và nỗ lực đưa amiang vào Công ước Rotterdam trên thế giới.
Thông qua hội nghị nhằm tìm kiếm các giải pháp để quyết tâm thực hiện và đẩy nhanh Nghị quyết của Chính phủ Việt Nam về việc dừng sử dụng amiang trắng trước 2023. Đồng thời, thiết lập mạng lưới toàn cầu về các hoạt động tiến tới dừng sử dụng amiang trắng, góp phần hướng tới bổ sung các nội dung của Công ước Rotterdam, làm cho việc dừng sử dụng amiang trắng trở thành hành động của toàn nhân loại.
Theo Đỗ Loan (Biên phòng)