Dân số già hóa quá nhanh, mô hình bác sĩ gia đình càng cần đẩy mạnh
Mô hình bác sĩ gia đình được xem là giải pháp phù hợp nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, trong bối cảnh già hóa dân số nhanh hiện nay.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đang trải qua giai đoạn tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong lịch sử loài người.
Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam đã lên tới đỉnh điểm trong năm nay và đang giảm dần. Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050. Có nghĩa, cứ 5 người thì có một người cao tuổi.
Điều này có nhiều tác động tiêu cực đến nguồn cung lao động của Việt Nam, đến tăng trưởng năng suất dài hạn.
Già hóa dân số làm phát sinh nhiều vấn đề, mà cả các nước phát triển cũng đang phải đối mặt. Trong đó, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế người già là một trong những việc quan trọng phải giải quyết ngay.
Mặc dù, nhiều người cao tuổi hiện nay đã có sức khỏe tốt hơn, nhưng tuổi tác cùng với những thay đổi về sinh lý cũng làm tăng nguy cơ bệnh tật và tàn tật. Chưa kể, ở Việt Nam, khái niệm “người già đô thi” đang mở rộng phạm vi hơn.
Những người cao tuổi ở đô thị tăng nhanh do nhu cầu di chuyển địa bàn dân cư, sống cùng con cái, nhưng họ lại ít được chăm sóc nhất khi con cái trong độ tuổi lao động, thường để bố mẹ ở nhà một mình, tự chăm sóc các vấn đề sức khỏe.
Việt Nam đang dối mặt với nhiều thách thức khi dân số vào giai đoạn già hóa quá nhanh, trong đó có thách thứ về y tế, chăm sóc sức khỏe (Ảnh tư liệu)
Nhiều người cao tuổi cần sự chăm sóc, trách nhiệm này thường thuộc về gia đình của họ. Nhưng sự suy giảm tỷ lệ sinh và việc đô thị hóa nhanh chóng cũng làm thay đổi quan hệ gia đình truyền thống, đôi khi gánh nặng đặt vào mạng lưới hỗ trợ xã hội. Khi số người cao tuổi tăng lên, các gia đình sẽ cần sự hỗ trợ chăm sóc họ và sự bảo trợ xã hội ngày càng trở nên cần thiết hơn đối với người cao tuổi.
Hết năm 2017, Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%.
Tuy nhiên có một thực tế là hệ thống chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Mô hình bác sĩ gia đình được xem là phù hợp với việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người già, không chỉ ở các đô thị mà còn phù hợp với vùng nông thôn.
Đối diện với việc già hóa dân số này, các chính sách và chương trình cộng đồng cần giải quyết thêm nhu cầu của những người cao tuổi nghèo khó và không có khả năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân.
Ngoài ra, các môi trường thân thiện cũng rất cần thiết để đảm bảo sự an toàn, sức khỏe và sự độc lập cho người cao tuổi. Ví dụ như nhà ở giá phải chăng và phương tiện giao thông dễ tiếp cận có thể giúp người cao tuổi trở thành thành viên tích cực của xã hội. Việc ngăn ngừa, điều tra và giải quyết những vấn đề liên quan đến sự kỳ thị, lạm dụng hay bạo lực đối với người cao tuổi cũng vô cùng quan trọng.
Với những người bệnh lớn tuổi, việc phải đưa họ di chuyển tới các bệnh viện lớn để thăm khám và điều trị là một vấn đề nan giải, nhất là với những người mắc cùng lúc nhiều chứng bệnh như sưng nề chân tay, rối loạn suy tĩnh mạch, viêm phế quản, tăng huyết áp hay chấn thương xương khớp…
Vì thế, ngoài việc tiết kiệm tiền bạc và thời gian, công sức di chuyển quá xa mô hình bác sĩ gia đình còn giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp ở những gia đình neo người, trong khi con cháu có lòng hiếu thảo, muốn được chăm sóc cha mẹ, ông bà mình ngay tại nhà trong điều kiện tốt nhất, hoặc đến khám tại nơi gần nhà.
Mô hình bác sĩ gia đình là giải pháp hiệu quả để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trước thực trạng già hóa dân số quá nhanh (Ảnh tư liệu)
Để có thể nâng cao sức khỏe người cao tuổi, Chính phủ cũng như Bộ Y tế đã xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn cũng như tăng cường dự phòng và chăm sóc ngay tại cộng đồng, trong đó việc xây dựng mô hình hợp tác giữa bác sĩ gia đình và dược sĩ cộng đồng được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề ban đầu của người bệnh.
Tất nhiên, điều kiện đi kèm cũng phải đảm bảo: Đó là trình độ của y bác sĩ, trang thiết bị, cơ sở vật chất… Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp được đánh giá là phù hợp, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa thầy thuốc, dược sĩ và nhân viên y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay tại cơ sở y tế địa phương để thích ứng với già hóa dân số.
Theo phapluatxahoi.vn