Góp phần hạn chế tác hại của rượu, bia
Việc phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cần thiết phải được Nhà nước và xã hội quan tâm giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Theo chương trình mới được cập nhật, tại phiên họp thứ 27 diễn ra vào chiều 17.9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Chiều 13.9, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ về dự án Luật này.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, việc phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cần thiết phải được Nhà nước và xã hội quan tâm giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Hiện nay, các quy định pháp luật về kinh doanh rượu, bia thực hiện theo 2 văn bản là Nghị định số 105/2017/NĐ-CP và Nghị định số 77/2016/NĐ-CP. Pháp luật hiện hành có rất ít quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Chỉ khi việc sử dụng rượu, bia dẫn đến các hậu quả xấu trong các quan hệ xã hội như điều khiển phương tiện giao thông cơ giới có nồng độ cồn vượt mức quy định, bạo lực, tội phạm do sử dụng rượu, bia hoặc vi phạm các điều kiện sản xuất, kinh doanh thì mới bị xử lý.
Các quy định về hạn chế tính sẵn có và giảm tiêu thụ rượu, bia; hỗ trợ xã hội để dự phòng hành vi uống rượu, bia ở mức có hại; bảo đảm tài chính cho giảm thiểu tác hại, giải quyết các hậu quả về sức khỏe liên quan đến sử dụng rượu, bia còn thiếu rất nhiều. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia còn tản mạn, hiệu lực pháp lý thấp, chủ yếu là nghị định, thông tư, chỉ thị; đồng thời, có sự chồng chéo, chưa đồng bộ.
Mục tiêu quan trọng nhất của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là bảo vệ sức khỏe của người dân khỏi tác hại của rượu, bia, phù hợp với bối cảnh thực tiễn của nước ta.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, dự luật tập trung quy định các biện pháp, cách thức cụ thể để phòng ngừa, hạn chế và giảm thiểu các tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và các hệ lụy xã hội khác trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia như: quy định các hành vi bị nghiêm cấm, kiểm soát điều kiện kinh doanh, bảo đảm chất lượng, an toàn; đối tượng, địa điểm, phương thức, thời gian cấm/hạn chế bán và uống rượu, bia; kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức…
Tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quan điểm xây dựng luật như Tờ trình của Chính phủ; cho rằng hồ sơ dự án Luật đã tương đối đầy đủ theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với các ý kiến đóng góp cụ thể vào các nội dung của dự án Luật, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định nhằm bảo đảm tính khả thi của luật; đồng thời, loại bỏ những điều luật đã được quy định tại các Luật hiện hành để tránh chồng chéo, trùng dẫm./.
Theo Nguyễn Hoàng (Chinhphu.vn)