Gần Dân, vì Dân
Thời gian qua, thông qua công tác dân vận, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và củng cố mối quan hệ giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân.
Tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác dân vận (DV) chính quyền do Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với UBND tỉnh tổ chức ngày 12.9, nhiều địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm về công tác DV trên từng lĩnh vực, từng địa bàn với mục tiêu xây dựng chính quyền “gần dân, có trách nhiệm với dân”.
Nhiều địa phương vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi đáng kể.
- Trong ảnh: Người dân xã Phước Thuận (Tuy Phước) xây dựng đường giao thông nông thôn.
Sáng tạo, chủ động trong dân vận
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Phong Vũ khẳng định, nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác DV, ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 114-KL/TW ngày 14.7.2015 về “Nâng cao hiệu quả công tác DV của cơ quan nhà nước các cấp” và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16.5.2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác DV trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình hành động, nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.
Quán triệt chỉ đạo của cấp trên, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả công tác DV chính quyền như: tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; ban hành quy định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện cải cách thủ tục hành chính; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chú trọng công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường kiểm tra, quản lý, nâng cao chất lượng thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, nhiều đơn vị, địa phương đã vận dụng sáng tạo, chủ động công tác DV trên nhiều lĩnh vực công tác như: giải phóng mặt bằng, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các vấn đề liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo và các chính sách an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH của địa phương, giữ vững ổn định an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo lập môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, phát triển sản xuất và kinh doanh, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của tỉnh.
Gần dân, vì dân
Ông Cao Thanh Thương, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho rằng kết quả nổi bật của công tác DV trên địa bàn huyện thời gian qua là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng văn hóa công sở. Tại huyện, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện và cấp xã đều được công khai, minh bạch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và được đăng tải trên trang thông tin điện tử của huyện, giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận khi thực hiện các dịch vụ hành chính công, cũng như thực hiện quyền giám sát về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công. Đồng thời, huyện cũng triển khai thực hiện tốt các nội dung về chuẩn mực “5 xây” gồm: trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu và “3 chống” là: quan liêu, tiêu cực, bệnh thành tích. 8 nội dung xây và chống trên đã giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện có ý thức về phong cách ứng xử chuẩn mực trong hoạt động công vụ, tôn trọng nhân dân; qua đó, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh nơi công sở.
Chia sẻ về dấu ấn của công tác DV tại địa phương mình, Chủ tịch UBND xã Ân Đức (Hoài Ân) Trần Văn Tảo cho biết, đó chính là việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân. “Đối thoại với nhân dân thường xuyên sẽ giúp địa phương giải quyết tận gốc và kịp thời những kiến nghị, bức xúc của nhân dân. Việc đối thoại còn giúp cho mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân gần gũi, cởi mở hơn, từ đó tạo đồng thuận cao”, ông Tảo khẳng định.
Còn ông Võ Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh (Phù Cát) cho hay, công tác DV đã đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp vận động nhân dân tham gia thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nhờ đó, từ năm 2012 đến năm 2017, có 85 hộ dân tự nguyện hiến gần 4.300 m2 đất sản xuất, hàng trăm mét tường rào, cổng ngõ và cây lâu năm để làm đường giao thông... với tổng giá trị gần 6 tỉ đồng.
Tăng cường, đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới
Ðể tiếp tục thực hiện tốt công tác DV, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DV; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác DV trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền cấp huyện, cấp xã. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính... Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; người đứng đầu chính quyền cấp huyện, cấp xã thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân và kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài và không để phát sinh “điểm nóng”...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN TUẤN THANH
“Ðối thoại với nhân dân thường xuyên sẽ giúp địa phương giải quyết tận gốc và kịp thời những kiến nghị, bức xúc của nhân dân. Việc đối thoại còn giúp cho mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân gần gũi, cởi mở hơn, từ đó tạo đồng thuận cao”.
Ông TRẦN VĂN TẢO, Chủ tịch UBND xã Ân Đức
NGUYỄN PHÚC