Thiếu giáo viên mầm non, mẫu giáo: Ít lớp bán trú, khó dạy 2 buổi/ngày
Ðầu năm học 2018 - 2019, nhiều trường mầm non, mẫu giáo trong tỉnh không thể triển khai việc dạy 2 buổi/ngày cho trẻ, không thể tổ chức lớp bán trú, nhiều giáo viên liên tục quá tải do phải một mình phụ trách một lớp bán trú. Những khó khăn này xuất phát từ nguyên nhân thiếu nghiêm trọng giáo viên mầm non.
Một hoạt động ngoài giờ của cô và bé Trường Mầm non huyện Vân Canh.
Theo nhiều trưởng phòng GD&ĐT, trước đây, chỉ có trẻ 5 tuổi ra lớp đông đủ, tỉ lệ trẻ 3 - 4 tuổi ra lớp thấp do cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng và phụ huynh cũng chưa mặn mà. Vài năm gần đây, cấp học mầm non được đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, đa số trường đủ điều kiện tổ chức dạy bán trú, trẻ 3 - 5 tuổi ra lớp nhiều đột ngột; nhiều trường mầm non, mẫu giáo thiếu giáo viên (GV). Theo thống kê chưa chính thức, toàn tỉnh đang thiếu hơn 700 GV mầm non, mẫu giáo, trong đó các huyện thiếu nhiều là Phù Cát (200 GV), Hoài Nhơn (120), Tây Sơn (50), TX An Nhơn (80)...
Không thể tuyển thêm vì... hết chỉ tiêu!
Gần hai tuần qua, cô giáo Đinh Thị Đẹp của Trường Mẫu giáo Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) bắt đầu ngày làm việc từ sáng sớm và kết thúc khi trời nhá nhem tối. Cô Đẹp được phân công phụ trách lớp Chồi 2 với 24 trẻ học bán trú. Vì thiếu GV, tạm thời một mình cô Đẹp phải cáng đáng mọi việc - từ đứng lớp cho đến chăm sóc, nuôi trẻ… Dù rất cố gắng nhưng cô Đẹp thừa nhận “khó có thể sâu sát, chăm chút từng trẻ một như khi lớp có đủ 2 cô giáo”.
Năm học 2018 - 2019, Trường Mẫu giáo Hoài Sơn có 6 lớp mẫu giáo và 1 lớp trẻ nhưng chỉ có 6 GV trong chỉ tiêu biên chế. Nhà trường đã kiến nghị Phòng GD&ĐT huyện Hoài Nhơn tuyển thêm người vì biết không thể kéo dài tình trạng một cô - một lớp bán trú lâu dài được. Nhưng đến bao giờ có đủ giáo viên thì chưa ai trả lời được.
Không ít trường mẫu giáo, mầm non ở các địa phương khác cũng chung cảnh ngộ với Trường Mẫu giáo Hoài Sơn, nhưng tình thế trớ trêu là các phòng GD&ĐT không thể tổ chức tuyển dụng GV vì không được giao chỉ tiêu.
Theo ông Võ Ngọc Khanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn, nếu không tổ chức dạy bán trú thì không phổ cập mầm non được. Nhưng nếu mở lớp bán trú lại phải tăng thêm GV. Năm học vừa qua, huyện Tây Sơn đã tuyển thêm 88 GV mầm non nhưng nay vẫn đang thiếu khoảng 50 người. Thiếu nhưng không thể tuyển thêm vì hết chỉ tiêu!
Hợp đồng cũng không xong
Để tháo gỡ một phần khó khăn, các phòng GD&ĐT kiến nghị UBND huyện, thị xã, thành phố hợp đồng GV để “chữa cháy”, thế nhưng một số phòng GD&ĐT lại không tìm ra được người để ký hợp đồng.
Chuẩn bị cho năm học 2018 - 2019, Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn xét hồ sơ xin dạy hợp đồng của GV mầm non với tinh thần “có bao nhiêu lấy bấy nhiêu”. Thế nhưng theo ông Nguyễn Phương Nam, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, vẫn còn thiếu nhiều, đặc biệt không ai muốn về dạy ở 2 xã bán đảo Nhơn Lý và Nhơn Hải.
Ông Nam phân tích: Lương GV mầm non hợp đồng thấp, công việc không chắc chắn (vì còn chờ thi biên chế) nên nhiều người không muốn. Thêm vào đó là các trường mầm non tư thục nở rộ, họ ký hợp đồng với GV theo quy định đặc thù của loại hình nên thu hút được. Ngoài ra, có không ít người học chuyên ngành Giáo dục mầm non nhưng khi tốt nghiệp ra trường đã bỏ nghề vì thấy công việc áp lực cao, vất vả mà thu nhập thì không tương xứng.
TP Quy Nhơn không phải là cá biệt, nhiều huyện khác trong tỉnh cũng “đỏ mắt” tìm người nhưng không thể bù đủ. Sốt ruột, một số trường mẫu giáo, mầm non đã chủ động tìm kiếm GV nhưng kết quả cũng không là bao.
Trước khai giảng, nhiều người vui với niềm háo hức của phụ huynh và trẻ em ở xã đảo Nhơn Hải khi hay tin năm học này lần đầu tiên trường mầm non xã tổ chức dạy bán trú, nhưng giờ thì… Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nhơn Hải, trầm tư: “Vẫn chưa thể tổ chức dạy bán trú vì thiếu GV. Chính tôi đã đi vận động và thành công khi một số em trong xã chịu theo học ngành mầm non. Nhưng khi tốt nghiệp ra trường, các em đều từ chối làm việc do lương hợp đồng quá thấp, không đảm bảo nhu cầu cơ bản của cuộc sống nên…”.
NGỌC TÚ