Thực hiện chỉ tiêu giải quyết việc làm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX: Thêm cơ hội, nâng chất lượng
Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2015-2020, bình quân mỗi năm tỉnh ta tạo việc làm mới cho 29.800 lao động/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Nửa đầu nhiệm kỳ, số lượng người lao động tham gia xuất khẩu lao động tăng gấp đôi giai đoạn trước năm 2015 và chủ yếu tham gia vào các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
- Trong ảnh: Người lao động làm bài kiểm tra năng lực ứng tuyển cho các đơn hàng của DN Nhật Bản.
Chỉ tiêu giải quyết việc làm cho người lao động tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX từ 28.000 đến 32.000 lao động mỗi năm. Theo báo cáo của ngành LĐ-TB&XH, năm 2016, tỉnh ta tạo việc làm mới cho 29.715 lao động; năm 2017 là 29.812 lao động. Riêng 7 tháng đầu năm 2018, đã tạo việc làm mới cho khoảng 16.000 lao động, đạt 53,5% kế hoạch năm. Số việc làm mới đã góp một phần vào công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh, đưa tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân hàng năm 2,1%.
Kết quả trên là dựa trên nỗ lực thực hiện đồng bộ 2 nhóm giải pháp lớn: phát triển kinh tế và hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Dù còn nhiều khó khăn, song nửa đầu nhiệm kỳ, kinh tế Bình Định phát triển tương đối đồng đều và ổn định. Việc thu hút được một số dự án, nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động góp phần tạo thêm nhiều chỗ làm cho lao động trong tỉnh. Hai năm gần đây, nhóm ngành xây dựng, dịch vụ, công nghiệp “khát” lao động. Tại nhiều thời điểm, nguồn cung lao động xây dựng không đủ đáp ứng nhu cầu tại các công trình xây dựng.
Các nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp nhằm tạo việc làm cho người lao động đã phát huy tác dụng. Trước hết là hoạt động nâng chất lượng, tay nghề của người lao động thông qua công tác đào tạo. Nửa đầu nhiệm kỳ, Bình Định đã thực hiện quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ở cả 3 cấp đào tạo cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Trên cơ sở quy hoạch này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được tăng cường về trang thiết bị, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên. Trong đó, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn và Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ được đầu tư về trang thiết bị đào tạo, đảm bảo một số ngành đào tạo đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Từ năm 2016 đến giữa năm 2018, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 69.000 lao động ở các cấp trình độ. Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2017 là 50,19%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội.
Hoạt động tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ vốn cho người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh góp phần tạo việc làm mới cho người lao động tại khu dân cư. Thời điểm hiện tại, Ngân hàng CSXH tỉnh có hơn 3.000 tỉ đồng để thực hiện cho vay ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động...
Hệ thống dịch vụ việc làm của tỉnh cũng nỗ lực kết nối DN và người lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm cố định 2 lần/tháng và các phiên giao dịch việc làm lưu động. Công tác đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng cũng có nhiều bước chuyển khi trước năm 2015 chỉ dừng lại ở con số 250 lao động/năm thì hiện nay đạt bình quân hơn 500 lao động mỗi năm. Dù chưa khai thác hết tiềm năng lao động trong tỉnh cũng chưa phát triển mạnh như các tỉnh khác, song đáng mừng là phần lớn lao động tham gia vào các thị trường chất lượng như: Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, phân tích: “Công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh thời gian tới vẫn sẽ gặp không ít thử thách khi đa số DN của tỉnh là DN nhỏ và siêu nhỏ, chất lượng việc làm thấp, cơ cấu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn thấp. Thời gian đến, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai và phối hợp triển khai các nhóm giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động: đào tạo nghề, cho vay vốn, tư vấn giới thiệu việc làm... Riêng giải pháp phát triển kinh tế tạo điều kiện về việc làm cho người lao động cần có sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các DN”.
NGUYỄN MUỘI