Thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn: Dân cư khốn khổ với bụi rơm, lúa lép
Cứ bước vào mùa thu hoạch các vụ lúa trong năm, người dân một số xã lân cận thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) lại chiếm dụng nhiều tuyến đường trong khu vực nội thị để phơi lúa. Hành vi này không chỉ vi phạm các quy định về trật tự ATGT mà còn gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn hệ thống thoát nước.
Người dân phơi lúa chen chúc trên các tuyến đường Nguyễn Trân, Lê Lợi, trước cổng đền thờ liệt sĩ Hoài Nhơn thuộc địa bàn khối 4, thị trấn Bồng Sơn.
Năm 2014, khi 9 tuyến đường trong khu vực nội thị Bồng Sơn được đầu tư mở rộng khang trang, cũng là thời điểm người dân các nơi đến chiếm dụng làm nơi phơi lúa sau mỗi vụ thu hoạch.
Điển hình, tại đường Nguyễn Trân - đoạn qua đền thờ liệt sĩ huyện Hoài Nhơn- nối liền với 4 tuyến đường mới trên khu hành chính - dịch vụ dân cư Bạch Đằng; do gần sông Lại khá thông thoáng, lòng đường lại rộng từ 8 - 12 m nên vào vụ thu hoạch rộ, rất đông người dân tập kết lúa về đây để phơi. Chưa hết, họ còn chiếm luôn cả lối ra vào cổng đền thờ, hành lang xung quanh và vỉa hè tường rào đền thờ để phơi lúa, bất chấp sự phản ứng của bảo vệ.
Chị Nguyễn Thị Loan, ở khối Phụ Đức, bức xúc nói: “Ngày nào đi qua đây tôi cũng phải dè chừng, bởi chạy nhanh trên lúa rất dễ trượt ngã. Không chỉ thế, bụi rơm, lúa lép cứ bay thẳng vào người rất khó chịu”. Còn anh Phan Văn Hòa, bảo vệ đền thờ liệt sĩ Hoài Nhơn, phàn nàn: “Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con không được phơi nông sản tại khu vực này, nhưng không những họ không chấp hành mà còn thách thức “Nhà nước có cấm đâu mà chúng tôi không được phơi lúa”. Vậy nên, sáng nào anh em chúng tôi cũng phải quét dọn, thu gom cả bao lúa lép đọng lại trên vỉa hè và lau chùi bụi bẩn bên trong các sân, sảnh đền thờ chính”.
Lý do của đa số người dân là không có sân phơi lúa nên phải mang ra đường phơi. Khi tôi hỏi chuyện, một người dân ở thôn Đệ Đức 3 đang phơi lúa ở đây vội vàng chống chế: “Thấy mọi người phơi ở đây được, gia đình tôi cũng vận chuyển lúa đến đây phơi, đã mấy mùa rồi. Phơi ở đây rộng rãi và nhanh khô hơn ở nhà”.
Đáng ngại hơn, sau khi lúa đã khô, họ tiếp tục giê lấy phần lúa chắc hạt mang về, bỏ lại toàn bộ phần lúa lép, bụi rơm vương vãi đầy đường. Những bụi thải này tiếp tục theo gió phát tán vào tận các ngõ ngách nhà dân sống trong khu vực, khiến cho môi trường ô nhiễm, đô thị luôn trong tình trạng nhếch nhác, đường sá dơ bẩn. Ông Trần Văn Đại, sống ở cuối đường Nguyễn Trân bức xúc nói: “Nhà tôi ở cách xa khu vực phơi lúa gần 100m, nhưng sáng nào cũng phải dọn dẹp thu gom khá nhiều bụi và lúa lép. Vấn nạn nhiều năm nay, khiến cuộc sống sinh hoạt của chúng tôi ngột ngạt, khó chịu quá”.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng phơi lúa, rơm, rạ, trên đường giao thông, ngày 12.6.2018, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Cao Thanh Thương đã ban hành công văn chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân không được lấn chiếm lòng đường để phơi nông sản. Trong đó, chỉ đạo lực lượng công an, quản lý đô thị huyện thường xuyên kiểm tra xử lý các trường hợp không tuân thủ hoặc cố tình sử dụng lòng đường để phơi nông sản, nhất là cấm những hành vi làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, lấy gạch đá, tre nứa chắn lấn chiếm lòng đường.
Tuy nhiên, tình trạng người dân chiếm dụng lòng đường khu vực nội thị Bồng Sơn để phơi lúa vẫn diễn ra.
Khoản 1 Ðiều 12 Nghị định số 46/2016/NÐ-CP ngày 26.5.2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau: Phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng đối với cá nhân, từ 200 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.
DIỆP KHÁNH LINH