Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ở Hoài Ân: Bồi dưỡng năng lực, tiếp sức kịp thời
Thực hiện Ðề án 939 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Hội LHPN huyện Hoài Ân đã hỗ trợ vốn vay, học nghề, phát triển những ý tưởng khả thi... tạo cơ hội cho hội viên khởi nghiệp thành công.
Cơ sở sản xuất bún khô Biên Thắm được vực dậy nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã Ân Hảo Đông và huyện Hoài Ân.
Tiếp sức khởi nghiệp
Chị Bùi Thị Thu Thắm, 34 tuổi, ở thôn Phước Bình, xã Ân Hảo Đông, là một điển hình trong phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Trước đây, khi mới ra ở riêng, gia đình chị Thắm không có ruộng đất trồng trọt sản xuất. Anh Hoàng Ngọc Biên, chồng chị làm cán bộ không chuyên trách ở xã thu nhập thấp, còn chị làm công nhân may ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn. Cuộc sống khó khăn, đi làm xa, chị Thắm quyết định nghỉ làm và học nghề làm bún khô ở thị trấn Tam Quan, về mở cơ sở tại nhà. Ban đầu, chị gặp không ít khó khăn vì thiếu vốn, máy móc và ít khách hàng. Có lúc, vợ chồng tưởng chừng phải bỏ nghề nhưng vì số nợ vay mượn mua máy móc lớn nên cố gắng bám trụ. Hội LHPN xã Ân Hảo Đông đã động viên chị mạnh dạn tiếp tục phát triển nghề và tạo điều kiện cho chị vay vốn để đầu tư thêm máy móc, chủ động khâu nguyên liệu, nhân công, giảm chi phí phát sinh để tạo được sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh với các cơ sở khác. Hiện cơ sở bún khô Biên Thắm của gia đình chị sản xuất trung bình 300 kg bún khô với giá 15.000 đồng/kg, trừ chi phí chị thu được lợi nhuận 500 ngàn đồng/ngày.
Không chỉ chị Thắm, Hội LHPN các cấp trong huyện còn nỗ lực vận động chị em thành lập các tổ liên kết để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau làm kinh tế. Chị Nguyễn Thị Kim Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Ân, cho biết: “Trước đây, Hội LHPN huyện phối hợp với các đơn vị cho phụ nữ vay vốn, học nghề thì nay, với việc triển khai thực hiện Đề án 939, công tác này được tăng cường hơn, hình thức đổi mới hơn. Nguồn vốn vay trong năm 2018 đạt trên 50,4 tỉ đồng, tăng 15,5 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Các mô hình tổ liên kết được thành lập với số lượng tăng 200% và đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kiến thức cho hội viên về tăng cường, mở rộng sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn”.
Cụ thể, trong năm 2018, Hội LHPN huyện Hoài Ân đã phối hợp mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rau hữu cơ cho 39 hộ thuộc nhóm sở thích trồng rau an toàn của xã Ân Phong; phối hợp với Trung tâm Dâu tằm tơ Trung ương tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho 50 chị ở xã Ân Hảo Đông; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 5 lớp sơ cấp nghề cho 175 học viên tham gia về kỹ thuật chế biến món ăn, trồng rau, dưa các loại, chăn nuôi heo, gà hữu cơ tại các xã: Ân Thạnh, Ân Mỹ, Ân Hảo Tây, Ân Phong, Ân Hữu.
Tạo thêm niềm tin
Hội LHPN huyện phối hợp với Hội LHPN tỉnh chọn thị trấn Tăng Bạt Hổ là đơn vị điểm tổ chức thực hiện Đề án 939. Chị Võ Thị Hương Duyên, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Tăng Bạt Hổ, cho biết: Hội LHPN thị trấn tổ chức ra mắt mô hình điểm “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” gồm 18 thành viên vào cuối tháng 8 vừa qua. Ngoài ra, Hội còn mở lớp tập huấn truyền đạt một số kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho lãnh đạo UBND, cán bộ chi/tổ hội phụ nữ, trưởng thôn ở thị trấn Tăng Bạt Hổ. Đồng thời, Hội LHPN huyện đã xét chọn 3 ý tưởng khởi nghiệp tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng xây dựng kế hoạch khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của chị Bùi Thị Thu Thắm (xã Ân Hảo Đông), chị Dương Thị Liễu (thị trấn Tăng Bạt Hổ) về sản xuất thực phẩm sạch, bún khô và chả nem, chị Ung Thị Hoài Thư (xã Ân Tường Đông) sản xuất nước đóng chai. Ban Thường vụ Hội LHPN huyện chỉ đạo 9 xã tổ chức trao sinh kế hỗ trợ bằng vốn, dụng cụ (xoong, nồi) và con giống cho 24 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền 29,4 triệu đồng; phối hợp Công ty TNHH Nestle Việt Nam chọn 19 chị làm tiếp thị “chị Nestle” cho công ty tại vùng nông thôn; phối hợp với BHXH huyện chọn 13 chị làm đại lý bảo hiểm và 11 chị làm cộng tác viên cho Trung tâm kinh doanh VNPT huyện Hoài Ân.
Trong 9 tháng qua, Hội LHPN huyện Hoài Ân đã nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phụ nữ tham gia khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Theo chị Kim Phương, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng hành trình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ ở huyện, nhất là phụ nữ nghèo còn nhiều khó khăn, bởi đầu ra của sản phẩm thiếu ổn định, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm... Sắp tới, Hội sẽ chọn một vài mô hình sản xuất điểm để chị em tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm; tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm sạch; phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt an toàn theo nhu cầu của chị em để họ mạnh dạn khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình, góp phần ổn định KT-XH ở địa phương.
HẢI YẾN