Tuyên truyền bằng tiểu phẩm: Lặng thầm những đóng góp
Các tiểu phẩm tuyên truyền với các lợi thế như: ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu là công cụ truyền thông hiệu quả. Tuy dấu ấn của tác giả cũng như đời sống, độ lan tỏa của mỗi tác phẩm còn hạn chế, song đóng góp của tiểu phẩm tuyên truyền rất đáng ghi nhận…
Tiểu phẩm tuyên truyền hay còn gọi kịch ngắn phong trào, kịch thông tin cổ động có mặt phổ biến trên mọi lĩnh vực đời sống, là công cụ tuyên truyền hiệu quả.
- Trong ảnh: Cảnh trong tiểu phẩm “Vươn khơi bám biển” của đơn vị TP Quy Nhơn (ảnh minh họa).
Tuyên truyền về ATGT, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, thực hiện nghĩa vụ quân sự… và nhiều vấn đề thời sự, chủ trương chính sách, pháp luật khác được mềm hóa, đi vào cuộc sống nhờ “chiếc cầu” tiểu phẩm. Với đặc điểm ngắn gọn, giản dị, gần gũi, thiết thực, tính giải trí cao và mọi khâu từ sáng tác đến dàn dựng, biểu diễn đều do lực lượng không chuyên thực hiện, tiểu phẩm tuyên truyền đã phục vụ tốt nhu cầu thông tin, tuyên truyền.
Còn nhớ tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh năm 2017 - chủ đề “Hát về Tổ quốc tôi”, nhiều tiểu phẩm, kịch, hoạt cảnh đã tạo thiện cảm với khán giả, để lại những thông điệp nghệ thuật, thông điệp xã hội cảm động. Tiểu phẩm của huyện Vân Canh kể chuyện một người lính đến thăm nhà đồng đội vừa hy sinh nơi đảo xa, đồng thời lựa lời báo tin cho bà mẹ mù. Người mẹ trong phút giây mừng rỡ đã nhận nhầm con, nhưng rồi bằng linh cảm người mẹ, bà cảm nhận được mất mát ngay sau đó. Nỗi đau của gia đình liệt sĩ được nhân dân, địa phương san sẻ, tất cả động viên nhau vượt qua bởi biết mình đã “hy sinh hạnh phúc nhỏ cho gia đình lớn Việt Nam“. Cấu tứ câu chuyện không mới, thậm chí người xem còn có thể dò trước mạch kịch, nhưng cách diễn, lời thoại nói riêng và sức sáng tạo của kịch bản nói chung đã neo được sự theo dõi của khán giả.
Thể loại này vừa tạo một tin vui, tại Hội thi sân khấu, kịch ngắn, kịch vui không chuyên toàn quốc năm 2018 về đề tài bảo vệ môi trường (do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Quảng Nam), giải kịch bản xuất sắc nhất đã thuộc về tác giả - nhạc sĩ Đào Minh Tâm (TP Quy Nhơn) với kịch bản “Nguồn rác” (do Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ngãi biểu diễn).
Một hội thi quy mô toàn quốc với 24 đơn vị tham gia, cùng một chủ đề rất quen là bảo vệ môi trường, kịch bản “Nguồn rác” đã tạo ấn tượng bởi tứ kịch mới mẻ. Theo đó, “rác vật thể” chung quy là sản phẩm sản sinh từ “rác phi vật thể”, tức là do ý thức kém, sự lãnh cảm với môi trường sống mà ra; cũng như những thói hư tật xấu, lòng đố kỵ, thói vị kỷ, sự vô cảm… ở con người. “Rác phi vật thể” còn là ngọn nguồn của những toan tính, lừa lọc, tranh giành… gieo bất công, đau khổ trên đời.
Bên cạnh hướng khai thác lạ, “Nguồn rác” thành công bởi yếu tố bất ngờ, xúc động trong nỗi hài - bi. Một bệnh nhân tâm thần tên là Phó Giáo Sư, nhưng mọi người đều nhầm tưởng đó là học hàm, nguồn cơn bi - hài bắt đầu từ đây. Là con của một người mẹ lao công, trải qua tuổi thơ và lớn lên với nỗi ám ảnh về rác, Phó Giáo Sư ôm giấc mơ về một xã hội văn minh, trở thành sinh viên đại học ngành môi trường, chuyên ngành rác thải. Không biết áp lực học hành hay chính nỗi bất lực khi chứng kiến xã hội ngày càng hiện đại song “rác phi vật thể”, “rác vật thể” không hề giảm đi khiến cậu trở thành bệnh nhân.
Dẫn chứng về một kịch bản vừa đạt thành tích cao để thấy, để tạo dấu ấn với thể loại này không dễ. Nhiều tác giả xác nhận, viết tiểu phẩm tuyên truyền đúng là khá đơn giản nhưng để hay thì rất khó. Tùy mỗi người mà tập trung sáng tác khi có “đơn đặt hàng” hoặc chủ động theo dõi các vấn đề thời sự, bám đời sống mà chọn chủ đề “đắt” để viết, tích lũy tác phẩm khi cần. Nhưng điểm chung là đều phải sâu sát cùng đời sống, trăn trở với từng đề tài, không ngừng nỗ lực tìm hướng khai thác mới…
SAO LY