Tuy Phước nỗ lực phát triển du lịch
Huyện Tuy Phước có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ven đầm Thị Nại, có sông Côn, sông Hà Thanh, QL 1A, QL 19, đường sắt Bắc Nam chạy qua địa bàn huyện, là cửa ngõ về hướng bắc của TP Quy Nhơn, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Tuy Phước là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa; có nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng như: Lê Công Miễn, Lê Đại Cang, Đào Doãn Địch, Lê Tuyên, Võ Trứ, Nguyễn Diêu, danh nhân văn hóa Đào Tấn, nhà thơ Xuân Diệu; nhiều nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc như: Nguyễn Đình Thụ, Lê Đình Giao, Trần Bá…
Du khách tham quan tháp Bánh Ít, Tuy Phước. Ảnh: N.V
Tuy Phước có 16 di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH) được xếp hạng, trong đó có 4 DTLSVH cấp quốc gia, 12 DTLSVH cấp tỉnh. Một số DTLSVH có sức thu hút khách tham quan du lịch như: tháp Bình Lâm, tháp Bánh Ít, Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn, Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu, Tiểu Chủng viện Làng Sông, chùa Bà, di tích Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ. Ngoài ra, các lễ hội Đô Thị Nước Mặn, lễ hội Chợ Gò, lễ hội cầu ngư; các hoạt động dã ngoại trên đầm Thị Nại cũng không kém phần đặc sắc.
Phát huy tiềm năng, những năm qua huyện Tuy Phước đã nỗ lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, một số công trình, DTLSVH tiếp tục được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch (DL) Tuy Phước. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế có được, hoạt động DL Tuy Phước vẫn còn những hạn chế nhất định: Công tác đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp các điểm nút giao thông, các tuyến đường đến ga, bến xe, bến đò, đường đến các di tích chưa được đầu tư đúng mức. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển DL còn chậm, việc thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm DL còn nhiều khó khăn. Công tác quảng bá và xúc tiến DL triển khai còn chậm; chưa xây dựng các chương trình DL nội huyện và kết nối tour với tỉnh. Chưa phát huy được sản phẩm DL mang tính đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút khách DL lưu lại dài ngày.
Công tác xã hội hóa các dịch vụ vệ tinh tại các điểm DTLSVH, danh lam thắng cảnh phục vụ du khách như: dịch vụ giải khát, ăn uống, lưu trú, quầy bán quà lưu niệm… hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý nhà nước về DL còn nhiều bất cập. Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh, an toàn tại các điểm tham quan chưa tạo được sự an tâm cho du khách.
Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, phát huy tiềm năng DL địa phương để đẩy mạnh phát triển DL, thời gian tới Tuy Phước sẽ mở ra hướng mới, khai thác không gian văn hóa Chăm, tổ chức một số dịch vụ phù hợp tại tháp Bánh Ít, tháp Bình Lâm để phục vụ khách tham quan DL trong và ngoài nước; phát triển 2 võ đường tiêu biểu của huyện, gồm võ đường chùa Long Phước (xã Phước Thuận) và võ đường Phi Long Vịnh (xã Phước Sơn), đưa võ cổ truyền Bình Định trở thành sản phẩm DL đặc trưng của địa phương. Đồng thời phát huy và nâng tầm các lễ hội: lễ hội Chợ Gò, lễ hội Đô Thị Nước Mặn, lễ hội cầu ngư, lễ hội đua thuyền… Phát huy hiệu quả thu hút du khách của làng nghề truyền thống nem chả Chợ Huyện, bánh xèo Mỹ Cang, bánh ít lá gai… đã có thương hiệu, được du khách ưa chuộng.
HUỲNH NAM VIỆT