Người trẻ bị đột quỵ: Do lối sống!
Một bác sĩ tim mạch đã đúc kết như vậy để nhắc nhở mọi người tập cho mình nếp sống lành mạnh, phòng ngừa các bệnh tim mạch, đặc biệt là đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não. Trước đây, đột quỵ thường xảy ra với người già, thế nhưng hiện nay nó có xu hướng lan sang cả những người trẻ, mà nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ lối sống.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, số người trẻ bị rối loạn mỡ máu chiếm tới 29% và chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị. Người bị rối loạn mỡ máu thường dễ mắc chứng huyết áp cao, không ổn định và đối mặt với nguy cơ đột quỵ.
BSCKII Trần Văn Trung, Trưởng khoa Nội Trung cao (BVĐK tỉnh), phân tích: Bất cứ ai cũng có thể bị rối loạn mỡ máu, kể cả ở người gầy, người trẻ. Bình thường, trong máu luôn có một lượng mỡ nhất định, thành phần mỡ máu thay đổi khiến hàm lượng đường trong máu, chức năng thận... thay đổi theo. Khi xảy ra rối loạn, mỡ trong máu tăng giảm bất thường, có thể là tăng cholesterol toàn phần, tăng LDL - cholesterol “xấu” và triglyceride, giảm HDL - cholesterol “tốt”. Chỉ số mỡ máu có thể cảnh báo cho ta biết nguy cơ bệnh tật là vì thế.
Cùng với việc thường xuyên kiểm tra huyết áp, mỗi năm nên đi xét nghiệm sinh hóa máu 2 lần để tầm soát các nguy cơ gây ra rối loạn mỡ máu, đột quỵ.
Người bị rối loạn mỡ máu dễ đối mặt với nguy cơ đột quỵ. Bởi khi đó các thành mạch của người bệnh dễ bị tổn thương, các tế bào mỡ bám trên thành mạch làm nên các mảng xơ vữa, khiến lòng mạch bị thu hẹp, tốc độ cũng như lượng máu qua mạch bị chậm, giảm. Hệ lụy là dễ xuất hiện các cục máu đông. Những cục máu này gây tắc nghẽn động mạch chủ, máu tắc ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể cũng gây nguy hiểm. Nếu tắc nghẽn ở tim sẽ gây ra nhồi máu cơ tim, tắc ở não gây xuất huyết não, tắc nghẽn ở các chi có thể gây xơ cứng động mạch, tắc nghẽn vùng phổi có thể gây nghẽn mạch phổi…
Rối loạn mỡ máu là tiền đề nguy hiểm nhưng mọi người thường chủ quan, bỏ qua. Những người trẻ tuổi khi sức khỏe dồi dào, thường xem nhẹ những dấu hiệu của cơn đột quỵ thoáng qua như: những con choáng thoáng qua, ăn cơm tự dưng rơi đũa, tay chân mất cảm giác, hoặc bị đau, đi khập khiễng…
Thống kê của Tổ chức Đột quỵ thế giới mới đây cho thấy, cứ 6 người thì có 1 người có nguy cơ bị đột quỵ. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200 ngàn trường hợp, một nửa trong số đó tử vong. Tỉ lệ ở những người trẻ và trung niên đang tăng nhanh (khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới) và chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ.
Nguyên nhân người trẻ gia tăng nguy cơ bị bệnh rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đột quỵ liên quan nhiều tới lối sống, thói quen ăn uống. Những người ít vận động, ít tập thể dục, thể thao cộng thêm chế độ ăn mất cân đối, quá nhiều chất béo, đồ chiên xào, đồ ăn nhanh, nhiều đồ ăn ngọt, uống nhiều nước có gas, ít chất xơ, ít rau xanh... làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt nếu hay ăn nhậu, uống nhiều rượu bia thì nguy cơ mắc bệnh lại cao thêm.
BSCKII Trần Văn Trung khuyến cáo: “Để tránh bị rối loạn mỡ máu, giữ huyết áp ổn định, giảm thiểu nguy cơ bị đột quỵ, tránh các tai biến nguy hiểm, ta nên có kế hoạch làm việc hợp lý, tránh mất ngủ, căng thẳng, stress; nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, năng vận động, đồng thời hạn chế uống bia rượu, từ bỏ thói quen hút thuốc lá… Mỗi năm nên đi xét nghiệm sinh hóa máu 2 lần. Khi có dấu hiệu ăn ít mà vẫn tăng cân nhiều thì nên đi khám bệnh sớm”.
5 yếu tố đe dọa đột quỵ ở người trẻ tuổi
Mất ngủ: Mất ngủ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thông qua bệnh lý cơ thể như: tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch máu… là yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ. Những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người ngủ đủ (7 - 8 giờ) đến 83%.
Căng thẳng, stress thường xuyên: Ðây được xem là hậu quả tất yếu từ cuộc sống hiện đại và là yếu tố ngày càng được nhấn mạnh về việc thúc đẩy nhiều tình trạng bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là đột quỵ. Người làm việc trên 55 giờ mỗi tuần tăng 1/3 nguy cơ đột quỵ.
Lối sống ít vận động, lạm dụng chất kích thích: Cuốn theo công việc, cuộc sống và các mối bận tâm khác là lý do khiến nhiều người trẻ bỏ quên vận động. Những người không vận động thì nguy cơ đột quỵ tăng cao so với những người vận động ít nhất 4 lần/tuần.
Hội chứng chuyển hóa, bệnh mãn tính có xu hướng trẻ hóa: Tỉ lệ bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa bị đột quỵ là 62%. Ðáng lưu ý, những căn bệnh như tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, xơ vữa động mạch… đang có xu hướng trẻ hóa bởi tác động tiêu cực từ lối sống, dinh dưỡng mất cân bằng ở người trẻ.
Tâm lý chủ quan: Người trẻ tuổi thường chủ quan, không dự phòng, tầm soát sớm và có thể bỏ qua các triệu chứng của đột quỵ để cấp cứu kịp thời. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
THÙY VY (Trung tâm TT - GDSK tỉnh)