Tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện: Cần đẩy mạnh truyền thông
Lượng hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích quá thấp. Thực tế đó đòi hỏi các ngành chức năng cần nỗ lực nhiều hơn trong quá trình hiện đại hóa nền hành chính công.
Thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích, ngày 20.9.2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3458/QĐ-UBND về việc Công bố danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh. Ngày 30.10.2017, UBND tỉnh và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác toàn diện cung ứng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh.
Chưa nhiều người biết đến dịch vụ
Trên cơ sở đó, Bưu điện tỉnh đã ký kết triển khai thỏa thuận hợp tác với 15/19 sở, ban, ngành và 11/11 UBND huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, kết quả thực hiện trong 7 tháng đầu năm 2018 cho thấy lượng hồ sơ phát sinh chưa như mong đợi. Cụ thể, Bưu điện tiếp nhận 3.040 hồ sơ, trong đó nhiều nhất là 2.724 hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe; chuyển trả 57.266 hồ sơ, nhiều nhất cũng là chuyển phát giấy phép lái xe với 19.438 hồ sơ.
Bưu điện tỉnh tổ chức tuyên truyền lưu động giới thiệu dịch vụ tiếp nhận và chuyển trả kết quả giải quyết TTHC.
Theo Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Nguyễn Anh Dũng, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do người dân chưa biết đến dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của ngành Bưu điện. Tâm lý người dân còn e ngại, vẫn muốn đến trực tiếp các cơ quan nộp và nhận kết quả. “Ở chiều ngược lại, nhiều TTHC quá trình tiếp nhận còn phức tạp. Hiện tại tỉnh chưa có trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa các sở, ban, ngành được bố trí không tập trung, do đó việc bố trí nhân viên bưu điện tham gia tư vấn, giới thiệu dịch vụ tại các cơ quan, ban, ngành còn hạn chế”, ông Dũng phân tích.
Đó cũng là lý do khiến trong số 1.115 TTHC đăng ký thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định 3458/QĐ-UBND, tính đến hết năm 2017 chỉ có 9 thủ tục phát sinh giao dịch. Thông tin này được Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha đưa ra tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020 được tổ chức mới đây.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh rút gọn danh mục. Quá trình thực hiện công tác này còn nhiều bất cập, qua thẩm định của Sở Tư pháp cho thấy nhiều TTHC đăng ký tiếp nhận và trả kết quả qua bưu điện hoặc đã hết hạn, hoặc không đúng tên gọi. Điều đó thể hiện sự quan tâm chưa đúng mức đối với công tác CCHC của các cơ quan”, ông Kha nói.
Đảm bảo sự hài lòng của người dân
Tại các hội nghị liên quan đến công tác cải cách hành chính gần đây, đại diện nhiều sở, địa phương phản ánh tình trạng người dân ít chọn giao dịch TTHC qua bưu điện vì sợ thất lạc hay chậm muộn. Ông Nguyễn Anh Dũng thừa nhận, việc chậm muộn các bưu gửi vẫn xảy ra, với lý do khách quan là người nhận thay đổi địa chỉ, không liên hệ được.
Ông Dũng cho rằng, hồ sơ giải quyết TTHC là giấy tờ rất quan trọng nên Bưu điện luôn quan tâm đặc biệt và có quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn cho bưu gửi. Khi bắt đầu triển khai thực hiện dịch vụ hành chính công, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc định vị, kiểm tra, theo dõi các bưu gửi, người nhận có thể theo dõi được tình trạng hồ sơ từ khâu nhận đến khâu phát.
“Trong trường hợp có sự cố xảy ra, Bưu điện sẽ kịp thời phối hợp với các cơ quan giải quyết TTHC kiểm tra, xử lý và trả lời thông tin cho người dân khi có khiếu nại. Chúng tôi cũng cam kết có trách nhiệm cùng người dân và cơ quan chính quyền khắc phục, giải quyết theo quy định nghiệp vụ và theo thỏa thuận, đảm bảo sự hài lòng của người dân”, ông Dũng khẳng định.
Bên cạnh đó, Bưu điện tỉnh sẽ thực hiện truyền thông thường xuyên sâu rộng, mạnh mẽ đến các cá nhân, tổ chức trên toàn tỉnh về dịch vụ tiếp nhận và chuyển trả kết quả giải quyết TTHC. Cụ thể, đặt các điểm thông báo niêm yết giá cước, chất lượng dịch vụ tại các điểm giao dịch cũng như các bộ phận một cửa các cơ quan, sở, ban, ngành; phát tờ rơi tại các điểm giao dịch, chi trả lương hưu hay các điểm thu tiền điện; gửi công văn, thư ngỏ đến từng nhóm đối tượng có nhu cầu tham gia giải quyết TTHC.
NGUYỄN VĂN TRANG