Hành động thiết thực nhân Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone 16.9
“Giữ cho hành tinh luôn mát lành: Nỗ lực bảo vệ tầng ozone và khí hậu của chúng ta” là chủ đề Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone (16.9) năm 2018. Ngày kỷ niệm này nhắc nhở toàn cầu tiếp tục thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone mà mục tiêu cao hơn là thực hiện Sửa đổi, bổ sung Kigali.
Các bạn trẻ tham gia vớt rác, dọn vệ sinh môi trường trên sông Tô Lịch
Sửa đổi, bổ sung Kigali được đánh giá là dấu mốc lịch sử quan trọng thứ hai về ứng phó với biến đổi khí hậu sau Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việc thực hiện thành công Sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ tránh phát thải khoảng 70 tỷ tấn CO2 tương đương trên phạm vi toàn cầu, góp phần giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng thêm 0,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Quyết tâm chung tay cùng cộng đồng quốc tế hành động để bảo vệ tầng ozone, Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone vào năm 1994. Đồng thời cũng đã lần lượt phê chuẩn các Sửa đổi, bổ sung London, Copenhagen, Montreal và Bắc Kinh của Nghị định thư Montreal. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone, Nghị định thư.
Trong suốt 24 năm qua, là một bên thuộc Nghị định thư Montreal tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã nỗ lực tuân thủ đầy đủ các quy định của Nghị định thư Montreal.
Nhận thấy rõ kỳ vọng lớn lao của Sửa đổi, bổ sung Kigali trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị phê duyệt thực hiện văn bản này. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, qua nghiên cứu, điều tra, khảo sát thực tế tại các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, công ty có liên quan đều cho thấy việc phê chuẩn Sửa đổi, bổ sung Kigali sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn đối với Việt Nam.
Theo Minh Hiển (ANTD.VN)