Thử nghiệm thành công thiết bị cầm máu của người Việt
Thiết bị quang đông cầm máu trên mô mềm sử dụng khí Argon Plasma được đánh giá là phương pháp phẫu thuật an toàn, ít biến chứng.
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Công nghệ Laser, Viện Ứng dụng công nghệ vừa nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị quang đông cầm máu Argon Plasma (APC).
Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh (bìa trái) và nhóm nghiên cứu thực nghiệm thiết bị trên mô sống của thỏ. Ảnh: BN.
Đây là một hệ thống gồm thiết bị phẫu thuật cao tần và dòng khí Argon (một nguyên tố trong bảng tuần hoàn hóa học) được điều tiết, tạo ra dòng phóng điện dạng Plasma sử dụng trong phẫu thuật giúp cầm máu cho mô mềm. Thiết bị đã hoàn thiện sau hơn hai năm nghiên cứu, chế tạo.
Trong phẫu thuật, việc đáng ngại nhất với phẫu thuật viên là quá trình cầm máu cho vết mổ. Thiết bị này cho phép sử dụng đơn giản như dao mổ điện thông thường nhưng lại hiệu quả, giúp bác sĩ thuận lợi hơn trong quá trình phẫu thuật.
KS Lê Huy Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ Laser, Chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện các tham số vật lý đã được tính toán tối ưu. Các thí nghiệm cho thấy với những tia máu li ti ở mô mềm đã được ngăn tối đa, thuận tiện cho các ca phẫu thuật, nhất là với dạ dày và sản khoa.
Để kiểm tra khả năng vận hành thực tế của thiết bị, nhóm nghiên cứu cùng bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thử nghiệm trên mô sống của thỏ và đo các thông số kỹ thuật.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, thiết bị phẫu thuật quang đông cầm máu APC có nhiều ưu điểm vượt trội so với các thiết bị phẫu thuật cao tần thông thường. Khi thử nghiệm mô không dính vào đầu phẫu thuật; hiệu quả cầm máu cao và bề mặt phẫu thuật phẳng, mịn.
Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đánh giá, thiết bị có thể quang đông cầm máu trên vết mổ giúp diện mổ rộng, bề mặt mổ sạch nên thuận lợi trong quá trình phẫu thuật.
Thiết bị tạo dòng nhiệt như nhiệt độ môi trường giúp se các mạch máu nhỏ mà không gây tổn thương lên bề mặt vết mổ. Thiết bị không cần tiếp xúc trực tiếp vết mổ nên hạn chế nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm.
"Sau khi thử nghiệm thành công trên động vật chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm công nghệ Laser thử nghiệm lâm sàng trên người và sớm đưa vào ứng dụng rộng trong thực tế", bác sĩ Tuấn Anh nói.
Giám đốc Trung tâm công nghệ Laser Giang Mạnh Khôi cho biết, công nghệ này được nghiên cứu và phát triển nhiều năm trên thế giới nhưng ở trong nước đây là lần đầu tiên được chế tạo thành công. Hiện giá thiết bị tương tự của Đức khoảng 750 - 1,1 tỷ đồng nhưng thiết bị này chỉ có giá khoảng 320 triệu đồng.
Theo VnExpress