Rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học: Thận trọng để đạt hiệu quả cao
Nhằm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học, đầu năm học 2018-2019, Sở GD&ÐT chỉ đạo các trường phổ thông tiếp tục rà soát, điều chỉnh, tinh giản nội dung dạy học trong sách giáo khoa theo hướng kỹ lưỡng, thận trọng để đạt hiệu quả giảng dạy cao nhất.
Sắp xếp lại các tiết học trong sách giáo khoa sẽ tạo thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực.
Phải làm quyết liệt
Tuần qua, các tổ chuyên môn của Trường THPT số 2 An Nhơn (TX An Nhơn) đã xây dựng kế hoạch chuyên môn của mình và trình Ban giám hiệu nhà trường xem xét. Dự kiến, ngày 20.9 tới, Ban giám hiệu sẽ họp với các tổ để bàn bạc và thống nhất các nội dung trong kế hoạch.
Trao đổi về việc này, ông Đỗ Hữu Hưng, Hiệu trưởng nhà trường tỏ ra không hài lòng với một vài kế hoạch còn chung chung. Ông Hưng cho biết: Năm học này tiếp tục có những đổi mới liên quan đến việc giảm tải chương trình và việc tích hợp liên môn. Tôi đã yêu cầu các tổ phải thực hiện quyết liệt việc này. Vậy mà trong các kế hoạch nhận đây, vẫn còn một vài tổ chưa đổi mới mạnh mẽ lắm. Trong cuộc họp sắp tới, tôi sẽ buộc họ bổ sung thêm.
Phân tích lý do vì sao phải làm quyết liệt chuyện này, một số chuyên gia giáo dục khẳng định, một trong những cái được lớn là thầy trò sẽ có thêm thời gian để thực hành, trải nghiệm. “Tôi giả dụ như 3 môn Lý, Hóa, Sinh của chương trình lớp 10 THPT có tổng cộng 100 tiết, nhưng khi sắp xếp lại những phần kiến thức giống nhau theo hướng Lý đã dạy rồi thì Hóa không dạy nữa thì tổng số tiết sẽ giảm xuống còn 95 tiết. 5 tiết còn lại thì dùng vào việc thí nghiệm, thực hành hay tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế hoặc dạy mở rộng kiến thức ra đến thực tiễn đời sống”, một chuyên gia nêu ý kiến.
Bên cạnh việc tinh giản những nội dung trùng lặp, những năm học gần đây, các nhà trường đã đẩy mạnh việc tích hợp những nội dung liên quan với nhau thành những chủ đề, chuyên đề để dạy học. Nhờ vậy, việc truyền đạt, tiếp nhận kiến thức trong sách giáo khoa diễn ra thuận lợi hơn, chất lượng giáo dục theo đó cũng được nâng cao lên.
Chú trọng khâu xây dựng kế hoạch
Thẳng thắn nhìn vào thực tế, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, việc rà soát, điều chỉnh, tinh giản nội dung dạy học hàng năm là một nhiệm vụ lớn của các trường, tuy nhiên vẫn còn không ít trường chưa mặn mà và chọn cách bám sát khung phân phối chương trình đã có. Điều này vô tình đẩy giáo viên các trường vào thế khó khi chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức triển khai.
Theo các chuyên gia, kiến thức nào trong sách giáo khoa cũng cần thiết với học sinh, vấn đề là anh sử dụng nó như thế nào để đạt hiệu quả. Chẳng hạn, lâu nay, giáo viên dạy theo các bước từ a đến b, c rồi d nhưng khi sắp xếp kiến thức thành chủ đề, chuyên đề thì sẽ dạy theo một logic khác, một hướng tiếp cận khác.
“Phải thấy rằng giáo viên là người chủ động, sáng tạo và phải chịu làm thì mới đạt hiệu quả. Trường nào làm tốt việc này thì sẽ đón đầu tốt chương trình giáo dục phổ thông mới; ngược lại, sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) đánh giá.
Qua khảo sát của người viết, từ tuần này và trong một vài tuần tới, các trường sẽ họp bàn và thống nhất kế hoạch chuyên môn, trong đó có việc rà soát, điều chỉnh, tinh giản nội dung dạy học. Trước những yêu cầu cấp bách đề ra, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản, yêu cầu các trường thực hiện việc xây dựng kế hoạch giáo dục một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc và đạt hiệu quả.
“Các trường phải xây dựng kế hoạch giáo dục của từng môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với thực tế của nhà trường theo hướng sắp xếp lại các tiết học trong sách giáo khoa, tạo thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, thực hành pháp luật cho học sinh”, văn bản hướng dẫn của Sở nêu rõ.
NGỌC TÚ