Cần xử lý kiên quyết các trường hợp xây dựng trái phép trên đê Ðông
Gần đây, một số người dân ở thôn Tân Giản và Kim Ðông (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) lấn chiếm nhiều diện tích đất hành lang bảo vệ đê điều thuộc hệ thống đê Ðông để xây dựng công trình trái phép. Chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan cần kiên quyết xử lý nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này.
Công trình xây dựng trái phép của gia đình ông Khiết nằm trên hành lang bảo vệ đê Đông.
Hệ thống đê Ðông dài khoảng 50km, chạy dọc từ TP Quy Nhơn đến các xã phía Ðông của huyện Tuy Phước và Phù Cát; có nhiệm vụ vừa bảo vệ cư dân sống ven đê, vừa ngăn mặn, tiêu úng, thoát lũ. Thế nhưng, tình trạng nhiều người dân lấn chiếm đất hành lang bảo vệ đê điều để xây dựng công trình trái phép thường xuyên diễn ra.
Đơn cử, khoảng tháng 3.2018, gia đình ông Nguyễn Bá Khiết (ở thôn Tân Giản) tự ý bao chiếm hơn 476m2 đất hành lang bảo vệ đê điều nằm dọc theo hệ thống đê Đông, thuộc địa phận thôn Tân Giản. Sau đó, ông Khiết xây dựng tường rào kiên cố bao quanh khu đất; bên trong, ông xây dựng 1 chuồng nuôi trâu, phần đất còn lại được sử dụng làm nơi tập kết rơm. Ngay cạnh công trình xây dựng trái phép của ông Khiết là chuồng nuôi vịt của gia đình ông Lê Văn Nguyên (trú cùng địa phương), được xây dựng kiên cố trên khoảnh đất có diện tích hơn 210m2. Toàn bộ diện tích này nằm trong hành lang bảo vệ đê Đông, do ông Nguyên tự ý bao chiếm. Tương tự, ông Nguyễn Văn Sanh (trú thôn Tân Giản); ông Nguyễn Minh Binh, bà Nguyễn Thị Luyến (đồng trú thôn Kim Đông)… cũng bao chiếm nhiều diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ đê Đông để xây dựng công trình trái phép. Những trường hợp vi phạm đều bao chiếm các khoảnh đất nằm liền kề nhau; hùa theo kiểu “người này làm được, người khác làm theo”. Họ cho rằng, do gia đình khó khăn, đất đai hạn hẹp nên “mượn tạm” đất hành lang bảo vệ đê xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm kiếm thêm thu nhập.
Ông Trần Văn Hiếu, trú xã Phước Hòa, cho biết: “Những người này vô tư lấn chiếm, xây dựng công trình trên đê Đông nhưng đã lâu chẳng thấy ai bị xử lý. Nếu chính quyền địa phương và ngành chức năng không xử lý kiên quyết, dứt điểm thì số trường hợp vi phạm sẽ tăng thêm, bởi người dân thường “nhìn nhau” để lấn chiếm”.
Theo ông Nguyễn Văn Ân, cán bộ địa chính xã Phước Hòa, cho hay, UBND xã đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính các trường hợp lấn chiếm. Việc xử lý hành vi này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh. Do đó, ngày 11.9 vừa qua, UBND xã Phước Hòa gửi tờ trình đề nghị UBND huyện Tuy Phước xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Quan điểm của huyện là phải ngăn chặn ngay từ đầu; xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm mới, không để tái diễn. Tới đây, UBND huyện sẽ xem xét, đưa ra biện pháp xử lý kiên quyết, nghiêm minh những trường hợp vi phạm nhằm răn đe, ngăn chặn chung. Bên cạnh đó, UBND xã cần nêu cao trách nhiệm trong kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu các trường hợp vi phạm; không để sự việc đã xảy ra rồi mới báo cáo, đề nghị huyện xử lý.
Tất cả các trường hợp đều vi phạm quy định tại điểm b, khoản 6, Ðiều 20 Nghị định 104/2017/NÐ-CP ngày 14.9.2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều. Quy định nêu rõ: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều; trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.
CÔNG LUẬN